VCCI: Nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường và quyền lợi bảo hiểm

17:19' - 30/08/2022
BNEWS VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc bổ sung một hoặc một số chỉ tiêu về chất lượng giải quyết chi trả bảo hiểm vào trong các chỉ tiêu cụ thể của đề án Chiến lược.

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; đồng thời, tham vấn ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần điều chỉnh và bổ sung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường và quyền lợi bảo hiểm

Nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường và quyền lợi bảo hiểm. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính, tăng trưởng về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng doanh thu phí bảo hiểm của ngành này đều tăng ở mức hơn 400% trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2020; trong đó, số tiền chi trả bồi thường bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm cũng tăng 205% ở cùng giai đoạn trên.
 

Tỷ lệ chi trả trên tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2011 là 43,69%.

Dự thảo đề án đã đưa ra nhận định: "Chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao”; đồng thời, phân tích nguyên nhân là do các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau chủ yếu bằng giá dịch vụ và hoa hồng bán hàng, chứ chưa thực sự chú trọng cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

VCCI nhận thấy, thực tế hiện nay, trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có thể so sánh dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau theo các tiêu chí về giá và quyền lợi trong hợp đồng. Tuy nhiên, khách hàng rất khó có thể đánh giá được chất lượng giải quyết hồ sơ để so sánh giữa các bên cung cấp với nhau. Cũng vì lẽ đó, các doanh nghiệp không có nhiều động lực để cải thiện chất lượng giải quyết hồ sơ qua đó thu hút thêm khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh.

Thông tư 195/2014/TT-BTC về hướng dẫn đánh giá và xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm cũng quy định các chỉ tiêu về chất lượng giải quyết bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm để thống kê và báo cáo với cơ quan Nhà nước.

Theo đó, gồm tỷ lệ trả tiền bảo hiểm; tỷ lệ hồ sơ yêu cầu còn tồn đọng; thời gian trung bình giải quyết hồ sơ;  tỷ lệ số tiền đã thanh toán trên số tiền chấp thuận chỉ trả; tỷ lệ hồ sơ từ chối bồi thường trên hồ sơ đã giải quyết và tỷ lệ chấp thuận chi trả trên tổng số yêu cầu. Các thông tin này hiện vẫn chưa được cung cấp cho khách hàng.

Trong các bản tin tổng hợp tình hình thị trường được đăng tải trên website của Bộ Tài chính – Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, đôi lúc cũng đã nhắc đến các chỉ tiêu này, nhưng vẫn ở mức chung chung, chưa tạo điều kiện để khách hàng lựa chọn và doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.

Qua thực tiễn tham khảo về thị trường bảo hiểm của một số quốc gia khác trên thế giới, VCCI nhận thấy không khó khăn để có thể tìm kiếm được thông tin về các chỉ tiêu trên cho từng sản phẩm bảo hiểm của từng công ty, thậm chí có bảng so sánh rất thuận tiện để tra cứu. Các thông tin này là một trong những tiêu chí để khách hàng lựa chọn giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm cùng loại, qua đó tạo động lực để các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ.

Từ những vấn đề nêu trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc bổ sung một hoặc một số chỉ tiêu về chất lượng giải quyết chi trả bảo hiểm vào trong các chỉ tiêu cụ thể của đề án Chiến lược. Kèm với đó là các giải pháp để công khai thông tin về chất lượng này cho từng loại sản phẩm bảo hiểm của từng doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục