Nỗi lo cân đối “túi tiền” quốc gia

09:28' - 31/12/2015
BNEWS Chưa bao giờ vấn đề cân đối thu chi ngân sách lại “nóng” như năm 2015 khi tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13 vừa qua, có đại biểu đã nêu con số ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng.

Năm 2015 đã trôi qua trong bối cảnh nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, song vẫn còn một số khó khăn như giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng; thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh...

Tất cả các yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2015 cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch cân đối “túi tiền” quốc gia năm 2016.

“Nóng” con số gây sốc

Chưa bao giờ vấn đề cân đối thu chi ngân sách lại “nóng” như năm 2015. Đặc biệt, khi tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13 vừa qua, có đại biểu Quốc hội đã nêu con số  ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng sau khi cân đối và trừ đi các khoản phải chi.

Cân đối thu chi ngân sách là vấn đề “nóng” trong năm 2015. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Quả thực, con số này đã gây ”sốc” bởi với số tiền trên khó để điều tiết ngân sách nhà nước, chứ chưa nói là phải lo tiền trả nợ.

Đánh giá điều này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh và điều quan trọng là tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt khoảng 18,1%, giảm mạnh so với mức 25% giai đoạn 2006-2010…

Theo Bộ Tài chính, năm nay thu ngân sách dự kiến sẽ tăng khoản 17,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 43 nghìn tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu hơn 31 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách địa phương tăng thu do năm nay kinh tế tăng trưởng khá, dự kiến đạt mức 6,5%, cao hơn so với con số 6% của năm ngoái. Ngân sách trung ương giảm thu do giá dầu thô giảm mạnh, trung bình chỉ còn khoảng 54 USD/thùng, bằng một nửa so với dự toán 100 USD/thùng.

Trong khi đó, số chi ngân sách nhà nước luỹ kế chi tính đến 11 tháng đã đạt 1.015,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,5% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển bằng 77,9% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ bằng 95% dự toán, tăng 10,9%.

TS. Nguyễn Đình Cung: cần quyết liệt trong vấn đề tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Ảnh: Quang Toàn/Bnews

Đại biểu quốc hội Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng chỉ ra, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và áp lực việc thu ngân sách, Chính phủ đã có những giải pháp nhằm siết chặt chi tiêu. Tuy nhiên, việc chi ngân sách vẫn còn nhiều bất cập. Ngân sách vẫn còn được chi khá nhiều cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện.

Người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, thực hiện giãn, hoãn, giảm thuế nhưng đã điều chỉnh chính sách thu.

Tỷ lệ thu nội địa đến hết năm 2015 được đẩy lên đạt 74% trong dự toán ngân sách nhà nước; tỷ lệ huy động từ thuế, phí bình quân giai đoạn 2011 -2015 là 21% (Quốc hội đã quyết định không quá 22 -23%). Về chi, đã đưa chi thường xuyên lên 68% của năm 2015.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì chính thói quen xây dựng dự toán chưa sát với thực tế đã khiến số chi thực tế vênh khá nhiều so với dự kiến. Điều này vô hình chung khiến tỷ lệ bội chi thường lớn hơn rất nhiều so với dự toán và gây ra nhiều lo ngại.

Gánh nặng nợ công

Có lẽ chưa bao giờ, vị tư lệnh tài chính lại chịu áp lực của dư luận về con số nợ công đất nước như năm 2015. Kinh tế khó khăn, đất nước cần nguồn tiền cho đầu tư phát triển và một trong số nguồn tiền đó lấy từ tiền đi vay đã khiến gánh nặng nợ công đang ngày một lớn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết theo yêu cầu tới năm 2020 và tầm nhìn tới 2030 thì nợ công không quá 65% GDP và nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Trong 5 năm qua, nợ công tăng dần từng năm, từ 50% GDP vào năm 2011 lên đến 61,3% vào cuối năm 2015.

Một trong những lý do dẫn đến bội chi và nợ công tăng cao là thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thu cho sản xuất kinh doanh làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách nhà nước tăng mạnh cho bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và tiền lương theo lộ trình, những vấn đề phát sinh, tăng chi cho quốc phòng và an ninh. Riêng về an sinh xã hội trong giai đoạn 2011-2015 chi tăng 18%/năm trong điều kiện tăng thu chỉ có 9,5%.

Mặc dù Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng  khẳng định nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng dư luận vẫn dấy lên mối lo ngại thực sự về khả năng cân đối ngân sách để trả.

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, một trong những vấn đề lớn đặt ra là quản lý sử dụng nguồn tài chính công như thế nào, có thật sự có hiệu quả không? Nếu không giải quyết đảm bảo được thì nguy cơ vỡ nợ hoặc mất ổn định an ninh tài chính quốc gia còn lớn hơn nhiều.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng, quy mô nợ công quan trọng nhưng không nói lên tất cả. Quan trọng hơn cả là khả năng trả nợ. Để có khả năng trả nợ thì chúng ta phải sử dụng nợ đó một cách hiệu quả.

Trong một nghiên cứu của mình, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn đã đưa ra một số dự báo về xu hướng nợ công của Việt Nam cho đến năm 2030. Theo đó, hầu hết các kịch bản đều cho thấy từ nay đến năm 2020, nợ công của Việt Nam vẫn còn xu hướng tăng lên với mức độ tùy thuộc một phần rất lớn vào nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ bên cạnh các điều kiện về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và lãi suất thực.

Nhìn nhận tốc độ tăng 20%/năm của nợ công hiện nay là “khá cao”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng vay trong nước, đẩy mạnh triển khai nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

“Ngành tài chính sẽ quản lý chặt chẽ nợ công nhất các khoản vay mới, dùng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng thiết yếu theo quy hoạch” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục