Nỗi lo lạm phát "bủa vây" châu Á

14:02' - 29/03/2022
BNEWS Trong 30 năm qua, chủ siêu thị Hiromichi Akiba ở Tokyo (Nhật Bản) luôn giữ vững phương châm "cung cấp cho khách hàng những thực phẩm tươi ngon với giá rẻ". 

Tuy nhiên, triết lý kinh doanh này đang bị thử thách khi ông phải đối mặt với chi phí tăng cao vì sự gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng Nga-Ukraine và nhu cầu bị dồn nén do đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua.

Ông Akiba, người sở hữu 5 cửa hàng ở quận Nerima và Suginami của Tokyo, cho biết: "Hiện chúng tôi đang phải trả thêm 1 triệu yên (8.300 USD) mỗi tháng", tương đương với mức tăng 2%. Ông nói thêm doanh thu hằng tháng là khoảng 300 triệu yên.

 

Người đàn ông 53 tuổi này hiện đang phải chi nhiều tiền hơn để đổ xăng cho 20 chiếc xe tải của mình, trong khi hóa đơn tiền điện và khí đốt cũng chung cảnh tương tự.

Chi phí lao động cũng cao hơn do dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản giảm, và dịch COVID-19 khiến việc duy trì hoạt động bình thường trở nên khó khăn. Giá thực phẩm bán buôn cũng tăng do hoạt động logistics và các chi phí khác đi lên.

Trên thực tế, chi phí hàng hóa gia tăng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Giờ đây, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á đang đối mặt với khó khăn chồng chất hơn nữa.

Với việc các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng USD và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất lên cao, khu vực này - động lực tăng trưởng tiêu dùng của thế giới - phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt.

Giáo sư kinh tế Kenta Goto tại Đại học Kansai ở Osaka cho biết: "Chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất, có thể gây ra lực hãm cho nền kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm sút, sức mua của châu Á sẽ bị ảnh hưởng".

Một số công ty đã tăng giá sản phẩm hay dịch vụ. Hãng điều hành taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro trong tháng này đã tăng giá cước lần đầu tiên trong một thập niên, với lý do giá nhiên liệu tăng 10%.

Tại Thái Lan, Thai President Foods, nhà sản xuất mì ăn liền Mama - một chỉ số lạm phát quan trọng vì đây là loại thực phẩm có giá cả phải chăng, được tiêu dùng rộng rãi, cho biết sẽ tăng giá bán lẻ thêm 9% lên 6 baht (0,18 USD)/ gói mì 90 gram.

Tương tự, các chuỗi cà phê của Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu tăng giá. Chuỗi cửa hàng cà phê Louisa Coffee tăng giá 40 sản phẩm, trong khi Cama Cafe dự kiến tăng giá lần đầu tiên sau 5 năm. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến các sản phẩm từ giấy vệ sinh đến gà rán và trà sữa trân châu.

Trong cuộc khảo sát được Ngân hàng trung ương Singapore thực hiện hồi tháng 2 vừa qua, khoảng 94% các nhà kinh tế khu vực tư nhân ở nước này cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế, tăng từ mức 56% trong một cuộc thăm dò vào tháng 12.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cảnh báo rằng hóa đơn tiền điện tăng cao chắc chắn sẽ "tác động đến người dân Singapore".

Trong khi đó, một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng 2 cho thấy 92% người được hỏi dự đoán chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong năm tới.

Nhà kinh tế trưởng Ryutaro Kono của BNP Paribas tại Nhật Bản cho biết các công ty Nhật Bản thường hy sinh lợi nhuận để thích ứng với chi phí gia tăng, nhưng nếu lạm phát không ngừng đi lên, rất có thể họ sẽ phải tính thêm phí cho người tiêu dùng.

Xung đột Nga-Ukraine cũng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai. Lý do là bởi Nga là nước xuất khẩu lớn các loại phân bón như kali và amoni nitrat, trong khi Ukraine là nhà cung cấp ngô và lúa mì chính.

Một nông dân trồng cà chua ở Tokyo phàn nàn rằng một số nhà cung cấp phân bón đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới, khiến ông phải trả nhiều tiền hơn để giành được hàng. Giá dầu nặng tăng cao, được sử dụng để giữ ấm cho các nhà kính, cũng khiến ông phải chịu chi phí tăng thêm 300.000 yên mỗi năm.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy thức ăn chăn nuôi Pornsilp Patcharintanakul cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy chi phí sản xuất thịt và gia cầm lên cao. Giá ngô tăng gần 20% so với năm ngoái và giá đậu tương tăng 25%.

Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản, cảnh báo rằng sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể đe dọa sản xuất lúa gạo và dẫn đến tình trạng bất ổn. Ông nhấn mạnh lương thực là yếu tố ổn định xã hội và điều đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các nước đang phát triển là đảm bảo giá mặt hàng này vẫn ổn định.

Một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.

Ông Kensuke Tanaka, phụ trách các vấn đề châu Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cảnh báo: "Tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn".

Chuyên gia kinh tế Irfan Qureshi tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội./.

>>Châu Á có thể xuất khẩu lạm phát ra thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục