Nông dân Bình Phước cứu vườn điều sau mùa vụ thất bát

17:13' - 17/04/2017
BNEWS Mất mùa điều, nông dân trên các địa bàn “thủ phủ” Bình Phước đang tìm phương án cứu hàng nghìn héc ta điều bị nhiễm sâu bệnh tấn công.
Phun thuốc bảo vệ cây điều. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Hiện nhiều hộ đang chạy vạy, dồn toàn lực phun xịt thuốc trừ sâu tại các vườn điều ở huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập…

Theo ghi nhận tại vườn điều gia đình ông Điểu Lưng, thuộc thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập dù đang trong mùa khai thác điều cuối vụ, nhưng cả vườn điều xác xơ bởi tình trạng sâu, bệnh tấn công ngày càng nặng nên gia đình đã nhanh chóng phun thuốc trừ bệnh sớm. Theo ông Lưng, ước tính năm nay gia đình chỉ thu được trên 3 tấn trong tổng số 8 ha trồng điều. Trái ngược với cùng kỳ năm trước, gia đình thu khoảng 15 tấn.

Ông Điểu Lưng cho biết: “Năm nay gia đình tôi thất mùa nặng nề. Do ảnh hưởng của thời tiết và bệnh dịch thán thư, bọ xít khiến cây điều khô cả bông lẫn cành. Tôi chưa từng thấy năm nào như năm nay bệnh dịch lan tràn khiến cả vườn điều xác xơ khô héo. Đến thời điểm này, cuối mùa điều vẫn còn bọt xít, nấm phát tán cả vùng. Bỏ không cứu sẽ còn ảnh hưởng đến vụ điều sau”- nhà nông Điểu Lưng chia sẻ kinh nghiệm.

Nhà nông Điểu Keng, thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập có trên 5 ha điều bị bọ xít muỗi tấn công. Trước tình trạng trên, nhiều hộ dân trồng điều đang loay hoay lo chống dịch bệnh. Nhiều nhà vườn đã chủ động phun hóa chất bảo vệ thực vật để cứu vườn điều chờ hy vọng đợi mùa điều sáng năm.

Theo Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, năm nay năng suất điều đã giảm gần 50% do yếu tố thời tiết và nhiễm sâu bệnh, nhất là nạn bị xít muỗi tấn công. Thiệt hại nặng nhất là huyện Bù Đăng có diện tích nhiều nhất khoảng 60.000 ha 45% diện tích của cả tỉnh. Sau đó là các huyện bị thiệt hại thấp hơn như Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp... Cao điểm tại khu vực 134, thuộc thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập có nhiều hộ nghèo nằm trong vùng trồng điều chuyên canh bị thiệt hại từ 70 đến 90% năng suất.

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước Nguyễn Đình Hà cho biết: “Trong thời gian vừa qua thời tiết biến đổi bất thường nên đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu trái của cây điều dẫn đến ảnh hưởng năng suất. Bên cạnh đó, mưa cũng làm cho nhiệt độ, ẩm độ không khí cao, nên tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại phát triển, đặc biệt là bọ xít muỗi và bệnh thán thư. Một phần do người dân chủ quan chưa kiểm tra dịch hại thường xuyên trong vườn. Khi phát hiện bệnh hại đa số đã vào giai đoạn nặng, mật độ sâu hại cao, trùng vào giai đoạn cây điều đang ra hoa, nên dẫn đến hiệu quả việc phòng trừ thấp”.

Trước tình trạng bệnh dịch ảnh hưởng đến “thủ phủ” điều, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch hại trên cây trồng cho người dân, tăng cường công tác tập huấn lớp hướng dẫn nông dân cách phòng trừ dịch hại trên cây điều.

Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước dự báo thời gian tới, thời tiết tục biến đổi bất lợi, dịch hại có thể tiếp tục phát triển, có thể nguy cơ bùng phát dịch. Do đó, sau thu hoạch bà con cần thực hiện các biện pháp như: thường xuyên thăm vườn phát hiện bệnh kịp thời, vệ sinh vườn, cắt bỏ lá, cành bị bệnh và những cành kém hiệu quả để vườn cây được thông thoáng. Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý để cây sinh trưởng phát triển tốt; tiến hành phun phòng thuốc bảo vệ thực vật để rửa vườn khi thu hoạch xong bằng các thuốc gốc đồng như: Copper Hydroxide (Kocide 53.8DF, Champion 77WP), Copper Oxychloride (Coc 85WP)… để hạn chế bệnh xâm nhiễm.

Ngoài ra, khi chủ vườn phát hiện bệnh với tỷ lệ gây hại thấp, có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như: Carbendazim 125g/l + Hexaconazole 30 g/l (Hexado 300SC), Hexaconazole 50 g/l (Anvil 5SC), Azoxystrobin 50g/l + Hexaconazole 100 g/l (Camilo 150SC) phun 1 đến 2 lần cách nhau 7 đến 10 ngày.

Bên cạnh đó, bà con cần dùng biện pháp thủ công bắt sâu gây hại ở vỏ thân, có thể sử dụng các loại thuốc có khả năng nội hấp, xông hơi mạnh như: Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND pha theo hướng dẫn nhãn thuốc, dùng xy lanh bơm dung dịch thuốc vào đường hầm. Sau khi bơm thuốc dùng đất sét hoặc bông gòn nhét lỗ đục lại để diệt sâu non bên trong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục