Nông dân Mỹ bất lực trước tình trạng hạn hán

16:03' - 11/08/2021
BNEWS Thời tiết nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt, ông Daniel Hartwig không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chặt hạ hàng nghìn cây hạnh nhân mà ông yêu quý ở bang California (Mỹ).

Ông Hartwig chịu trách nhiệm quản lý nguồn nước cho Woolf  Farms, một điền trang rộng hơn 8.000 ha bao quanh khu chợ nhỏ của thị trấn Huron thuộc bang California.

Buồn bã nhìn quang cảnh trang trại, ông chia sẻ: "Cảnh tượng này khiến tôi đau lòng”. Trước mắt ông là những gốc cây hạnh nhân phủ lá vàng úa, rễ cây đã bắt đầu mục ruỗng trong thời tiết nắng nóng với nhiệt độ ở mức gần 40 độ C trong buổi sáng mùa Hè.

Những cỗ máy khổng lồ di chuyển quanh điền trang sẽ biến "những cây hạnh nhân đẹp hạng nhất” của ông Hartwig thành những đống gỗ lớn. Ông cho biết đây là lần đầu tiên trang trại phải đốn bỏ nhiều cây như vậy, cho dù những cái cây này vẫn còn sống.

Từ hệ thống tưới nhỏ giọt cho đến các cảm biến tiên tiến được lắp đặt khắp trang trại, mọi thứ được thiết kế để tối ưu hóa việc sử dụng nước. Thế nhưng, những cây hạnh nhân của ông Hartwig vẫn thiếu nước. Và không chỉ tại Woolf  Farms, cả thung lũng này đang thiếu nước.

Sau vài năm lượng mưa ở mức rất thấp và mùa Đông đặc biệt khô hạn, chính quyền bang California đã cắt nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp. Vào tháng 4 vừa qua, sau rất nhiều phương án xoay xở, trong đó có việc tự khai thác nước ngầm trong lòng đất, trang trại Woolf  Farms đã phải đối mặt với những thực tế hết sức khó khăn.

Ông Hartwig thừa nhận: "Không có đủ nước để giữ cho những cây hạnh nhân được sống". Thiệt hại đối với trang trại của ông chắc chắn không hề nhỏ khi thị trường hạnh nhân California có trị giá gần 6 tỷ USD/năm.

California sản xuất 80% lượng hạnh nhân được tiêu thụ trên toàn thế giới. Thị trường hạnh nhân toàn cầu thậm chí đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, do nhu cầu về các sản phẩm từ thực vật tăng cao, chẳng hạn như sữa hạnh nhân.

Những hạt hạnh nhân của trang trại Woolf Farms từng được “chu du” tới những địa điểm rất xa, như Ấn Độ hay Australia. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, khó có thể giữ được thời hoàng kim đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục