Nông nghiệp 2017: Tập trung tháo gỡ nút thắt và đẩy mạnh liên kết

11:09' - 29/12/2016
BNEWS Khép lại năm 2016, ngành nông nghiệp đã lội ngược dòng bù lại mức tăng trưởng âm của 6 tháng đầu năm để tăng trưởng GDP toàn ngành cả năm đạt 1,2%.
Nông nghiệp 2017: Tập trung tháo gỡ nút thắt và đẩy mạnh liên kết. Ảnh: TTXVN

Bước sang năm 2017, mặc dù được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng với đà phục hồi và lộ trình đã xác định mục tiêu rõ ràng, đặc biệt với hai chương trình trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp năm 2017 đang kỳ vọng vào những bước đột phá.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xung quanh vấn đề này:

Phóng viên: Năm 2016, ngành nông nghiệp trải qua rất nhiều khó khăn, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả mà ngành đã đạt được?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, bất lợi nhưng năm 2016 được đánh giá là năm mà ngành nông nghiệp đón nhận nhiều sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương, sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là sự cố gắng vươn lên của bà con nông dân.

Nhờ đó, hết năm 2016 ngành nông nghiệp đã đạt giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 32,1 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước tới nay; trong đó 10 mặt hàng vẫn duy trì được mức xuất khẩu đạt 1 tỷ US D trở lên.

Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với toàn dân ứng phó với thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ví dụ như cơn bão số 1 xảy ra khiến 229.000 ha lúa của bà con Đồng bằng sông Hồng (chiếm 40% diện tích của vùng) sau khi mới gieo cấy 10 - 15 ngày đã bị ngập lụt.

Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi chỉ đạo khắc phục cùng ngành nông nghiệp, thì chắc chắn diện tích lúa Mùa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, nhờ có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là khu vực doanh nghiệp quan tâm đến nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới chuỗi sản xuất mang lại giá trị cao nhất. Mặc dù, chưa phổ biến nhưng cả 7 vùng kinh tế trên tất cả các ngành hàng, lĩnh vực đều có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.

Đây không chỉ là tiền đề cho năm nay mà còn là tiền đề cho giai đoạn tới để thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành, hướng tới một nền nông nghiệp hội nhập, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong 10 năm qua, 6 tháng đầu năm ngành chỉ đạt mức tăng trưởng âm (0,18%). Nhưng, 6 tháng cuối năm đã lấy lại đà tăng trưởng, hiện mức tăng trưởng đã đạt 1,2% GDP, góp phần giảm thiểu khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, xoá đói giảm nghèo.

Phóng viên: Trong năm 2016, Bộ trưởng có ấn tượng với ngành hàng nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có thể nói, trong năm nay, các mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD đều có tốc độ tăng trưởng nhanh. Có một số ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh, công tác tái cơ cấu, chuyển đổi về quản trị, công nghệ cũng như hình thành vùng hàng hóa thì đã có bước đi tương đối dài và sự tích lũy của các doanh nghiệp về quản trị, vùng sản xuất và nông dân là rất rõ.

Ví dụ, ngành thủy sản có tiềm năng rất lớn; trong đó điển hình là con tôm nước lợ hiện có khoảng 700.000 ha; năm nay tốc độ tăng trưởng tới 9%. Phát triển nuôi trồng tôm nước lợ đang có nhiều điều kiện thuận lợi như: có nhiều doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn, xây dựng vùng quy mô về nguyên liệu tốt, công nghệ chế biến tốt.

Dự báo, trong những năm tới còn có thể phát triển, đặc biệt khi mà xâm nhập mặn ngày càng gay gắt thì ngành cần phải chú ý đến đối tượng này.

Một điểm sáng nữa là ngành chăn nuôi, đàn lợn đạt số lượng cao nhất từ trước đến nay với tổng đàn đạt trên 30 triệu con, riêng đàn giống chiếm trên 10%. Có thể khẳng định, bộ giống thuộc nhóm các nước có nền công nghệ hiện đại. Đáng chú ý, ngành này đã thay đổi tổ chức sản xuất, hiện đã có 55% lượng thịt lợn, gia cầm được nuôi trong các trang trại quy mô vừa và lớn.

Đặc biệt, ngành rau quả năm nay xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, trong khi năm ngoái chỉ đạt dưới 2 tỷ USD. Hiện tiềm năng và lợi thế của ngành rau, quả của Việt Nam còn rất lớn. Nếu chúng ta tập trung khai thác tốt thì có thể đạt trên 3 tỷ USD trong thời gian ngắn tới.

Phóng viên: Hội nhập là một xu thế tất yếu, nhưng cũng đang đặt ngành nông nghiệp đối mặt với không ít khó khăn khi còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Bộ trưởng có băn khoăn gì với vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là như vậy bởi nông nghiệp nước ta nhìn chung vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún. Hiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng. Với nền tảng sản xuất như vậy thì không thể thể nào chiến thắng bền vững trong hội nhập được. Đây là điều băn khoăn lớn nhất.

Từ đặc điểm này dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp và hàng loạt các vấn đề khác. Do đó, còn rất nhiều điều băn khoăn trong đó có cả hệ thống quản lý tổ chức ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương, cũng còn nhiều bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Một điểm nữa là hiện nay chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế nói chung; trong đó ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là các cường quốc có nền nông nghiệp phát triển mạnh. Đây là thách thức rất lớn mà chúng ta phải thấy được điểm yếu và cần phải khắc phục được trong thời gian tới.

Phóng viên: Năm 2017, được dự báo cũng sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Vậy xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu cũng như các giải pháp của ngành trong năm tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thị trường có sự canh tranh quyết liệt, tổng thể thì cung vẫn lớn hơn cầu. Biến đổi khí hậu thì ngày càng phức tạp...

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang phục hồi khá chậm. Trong khi các nước có xu hướng dựng hàng rào kỹ thuật để tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản nước họ có cơ hội xuất khẩu, hay hạn chế nước khác nhập khẩu vào...

Mục tiêu cụ thể của ngành là phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành tăng từ 2,5 - 2,8% GDP so với năm 2016; tiếp tục tập trung vào 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt từ 32 - 32,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, năm 2017, ngành sẽ tập trung vào 2 chương trình quan trọng nhất là tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới. Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn; thu nhập của nông dân ít nhất tăng 1,8 lần.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ cho 10 sản phẩm quốc gia (sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD).

Các mặt hàng này sẽ được rà soát, quy hoạch, tập trung kêu gọi xây dựng có được các doanh nghiệp hạt nhân, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với doanh nghiệp và Hợp tác xã. Từ đó, khuyến khích thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp đó.

Đối với nhóm sản phẩm cấp tỉnh, là những sản phẩm mà mỗi tỉnh đều có lợi thế riêng thì sẽ thúc đẩy sản xuất trên nền tảng quy mô, công nghệ... hướng đến xuất khẩu được. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng theo mô hình "mỗi làng một sản phẩm".

Trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung tháo gỡ nút thắt đầu tiên là đất đai, bởi nếu không có một quy mô nhất định thì không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả, chuỗi giá trị, bền vững. Do đó, đây là vấn đề quan trọng nhất.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành tập hợp những nội dung cụ thể để trên cơ sở đó những nội dung nào thuộc Thông tư, thì các bộ phải tập trung tháo gỡ. Những nội dung nào liên quan đến Nghị định thì Chính phủ trực tiếp tháo gỡ. Những vấn đề liên quan đến Luật thì kiến nghị Quốc hội để sửa đổi...

Một điểm quan trọng nữa chính là sự liên kết; trong đó có 2 thành tố quan trọng mang tính quyết định là doanh nghiệp và hợp tác xã. Do đó cần phải có chính sách rõ ràng, ưu đãi hơn, khích lệ hơn để nhiều doanh nghiệp hơn nữa tập trung vào nông nghiệp.

Cùng với đó cũng cần phải có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã phải phát triển, để 13,8 triệu hộ nông dân không còn là các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ mà phải dưới dạng hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất; nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục