Ngành nông nghiệp tăng trưởng trở lại nhờ tái cơ cấu

18:34' - 26/12/2016
BNEWS Năm 2017, ngành nông nghiệp tập trung tái cơ cấu theo hướng rà soát tập trung 3 nhóm sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố và sản phẩm chủ lực cấp vùng/miền.
Ngành nông nghiệp tăng trưởng trở lại nhờ tái cơ cấu. Ảnh: TTXVN

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp ước đạt khoảng 1,2%, không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng âm 0,18% của 6 tháng đầu năm, để đạt được mức tăng trưởng như trên , ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Đối chọi với thiên tai, đẩy mạnh tái cơ cấu

Nhìn lại một năm với nhiều “sóng gió” bởi thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp đã phải đối phó với các đợt rét đậm, rét hại ở 27 tỉnh thành từ Nghệ An trở ra. Sau đó là trận hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục ở 18 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi chịu đợt hạn hán kỷ lục, các tỉnh miền Trung lại chịu 5 trận mưa lũ liên tiếp đổ dồn dập xuống. Cùng với đó là những cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ nghiêm trọng, nhiều địa phương đã hứng chịu những đợt thiên tai kép, rất khốc liệt gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống.

Từ đầu năm 2016 đến nay đã có gần 669.000 ha lúa và hoa màu, gần 388.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hạị; gần 75.400 con gia súc và 1.746.300 con gia cầm bị chết; trên 1.400 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 528 hồ, đập nhỏ, tạm bị hư hại, 131km đê, kè bị sạt lở...

Các đợt thiên tai đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề, ước tính trên 39.000 tỷ đồng. Cùng với đó là sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung khiến ngư nghiệp càng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã nỗ lực bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu. Bộ đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đối với những vùng sản xuất hàng hóa lớn thì tiếp tục tổ chức lại sản xuất, tập trung vào các cây, con chủ lực, thuận lợi về thị trường. Đối với những vùng bị thiên tai và 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường biển thì khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành đã tập trung vào chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới hoặc ngập mặn sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản; mở rộng diện tích Xuân muộn, Mùa sớm ở Đồng bằng sông Hồng; mở rộng diện tích vụ Đông ở Đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc; giảm diện tích lúa Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long do mặn xâm nhập nặng; thực hiện rải vụ cây ăn quả; tăng cường thâm canh, tái canh vườn cà phê, điều; khuyến khích đẩy mạnh sản xuất tôm nước lợ; phát triển chăn nuôi...

Nhờ xác định đúng hướng trong sản xuất, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh vào việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nên sản lượng đã tăng vọt, đạt 650.000 tấn trong 6 tháng cuối năm.

Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD, cá tra cũng khởi sắc và đạt giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD.

Năm nay, ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung, quy mô lớn liên kết theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Chăn nuôi hộ gia đình đã chuyển theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến và có kiểm soát hơn nên năng suất, chất lượng và hiệu quả được cải thiện, nhất là trong chăn nuôi lợn, gà và bò sữa.

Bởi vậy, chăn nuôi vẫn duy trì được tốc độ tăng khá cao, tăng 5,4% so với năm 2015. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năm nay đã xuất khẩu được gần 600.000 tấn lợn hơi với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD và thời gian tới, nếu làm tốt, bài bản hơn, ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể xuất khẩu được 2 triệu tấn thịt lợn.

Bên cạnh việc đổi mới trong cách tiếp cận trong sản xuất của các ngành hàng, nhiều địa phương tập trung vào tái cơ cấu, vào những sản phẩm mũi nhọn, có lợi thế, bước đầu đem lại thu nhập khá hơn cho người nông dân, và đúng hướng đi của tái cơ cấu nông nghiệp là khai thác lợi thế.

Nhiều diện tích ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, đến nay tỉnh đã có 5.000 ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 17% so với 300.000 ha đất nông nghiệp toàn tỉnh. Nhiều diện tích ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha. Chính sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nối tiếp thành công trên, năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, trong năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 nhóm sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố và sản phẩm chủ lực cấp vùng/miền.

Đồng thời đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết các rào cản, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu.

 Năm 2017: Tiếp tục là năm an toàn thực phẩm

Năm 2016, ngành nông nghiệp chọn là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm nên ngành đã xây dựng mạng lưới và chuỗi hệ thống các cơ sở giới thiệu nông sản sạch, an toàn đến với người tiêu dùng ở các thành phố lớn.

Đến nay, đã có 50 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 444 mô hình điểm về chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, tiêu biểu là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai...

Ngoài ra, các doanh nghiệp, các tổ chức cũng đã xây dựng nhiều chuỗi sản phẩm an toàn theo các tiêu chí được hướng dẫn. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm việc buôn bán và sử dụng chất cấm. Vì vậy, đã kiểm soát khá tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất.

Kết quả giám sát trên diện rộng 6 tháng cuối năm không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm; tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép là 3,06%, giảm so với năm 2015 (8,6%). Với thành công đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chọn năm 2017 là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ sẽ xây dựng lực lượng, tăng cường hơn nữa năng lực quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản.

Đặc biệt giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; triển khai các chương trình giám sát thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm công bố công khai các hành vi gian lận, vi phạm, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục