Công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016

17:35' - 28/12/2016
BNEWS Ngày 28/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.
Cả nước có 2.479 xã có mô hình tổ hợp tác hỗ trợ phát triển sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phạm Quang Vinh cho biết, tính đến thời điểm 1/7/2016, cả nước có 8.978 xã, 79.899 thôn, tức giảm 93 xã và giảm 1.005 thôn so với cùng thời điểm năm 2011. Số lượng xã, thôn giảm là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây.
Mạng lưới điện đã phủ khắp 100% số xã và tỷ lệ nông thôn đã có điện đạt 97,8%. Đây là thành tựu lớn của chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Hệ thống giao thông nông thôn có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đến ngày 1/7/2016, cả nước có 8.927 xã có đường ô tô từ trụ sở UBND huyện về UBND xã, chiếm 99,4% tổng số xã.

Nhìn chung, giao thông nông thôn đã bảo đảm xuyên suốt. Hệ thống trường học được duy trì ổn định, với 99,6% số xã có trường mẫu giáo và 99,7% số xã có trường tiểu học. Bên cạnh đó, 58,6% số xã có nhà văn hóa và 99,5% số xã có trạm y tế… Tính chung, cả nước có 2.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng theo công bố, đến năm 2016, cả nước có 60,8% số xã có chợ (năm 2011 đạt 57,6%), trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt mức tăng cao nhất với tỷ lệ 72,9% số xã (năm 2011 đạt 64,8%); vùng có tỷ lệ xã có chợ đạt thấp nhất là Tây Nguyên chỉ đạt 37,7%.

Mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản cho người dân phát triển nhanh và tăng ở tất cả các vùng trên cả nước, số xã có sở sở, cửa hàng đạt tỷ lệ 80,5% (năm 2011 đạt 66,5%).

Cả nước có 2.479 xã có mô hình tổ hợp tác hỗ trợ phát triển sản xuất, chiếm 27,6% tổng số xã; trong đó, phát triển mạnh ở Đông Nam Bộ (chiếm 61,5% số xã) và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 84,3% số xã).

Mặc dù, trong những năm gần đây, nhà nước và xã hội đã quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng kết quả còn hạn chế như: tỷ lệ thôn chưa có điện ở một số tỉnh miền núi còn cao như: Điện Biên 14,7%; Hà Giang 11,1%; Sơn La 10,9%; Lào Cai 10,4%; Bắc Kạn 8,5%...

Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông ở vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo còn nhiều khó khăn. Cả nước vẫn có 1,2% số xã có đường ô tô không đi lại được quanh năm; 3% số xã chưa có đường đến UBND xã được rải nhựa, bê tông hóa, tập trung ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc…
Kết quả Điều tra cho thấy, số hộ gia đình có nguồn thu nhập lớn từ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm; từ phi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng lên. Nguồn thu của các hộ không phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp như thời gian trước. Hiện cả nước có 9,32 triệu hộ là nông, lâm nghiệp và thủy sản; đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn.

“Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2016 đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Việc so sánh các chỉ tiêu qua các thời kỳ, các vùng miền cho thấy một số vấn đề về dịch chuyển cơ cấu hộ, thay đổi quy mô hộ, sự chậm phát triển và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền… ở nông thôn hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với việc xây dựng quy hoạch nông thôn và chính sách định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn trong giai đoạn tiếp theo”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Kết quả chính thức Tổng điều tra năm 2016 sẽ được công bố vào Quý III/2017.

>> Kết nối xanh hướng đến nền nông nghiệp sạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục