Nông nghiệp công nghệ cao: Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực

17:44' - 07/08/2018
BNEWS Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ tại một số vùng, tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Không chỉ công nghệ cao, thế giới đang tiến bước với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc đời sống kinh tế và xã hội, trong đó có nông nghiệp.

Nhưng để đến với những thành tự khoa học công nghệ đó đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu xã hội, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, thực hiện đào tạo đa ngành và tăng cường tính liên kết.

Nguồn lực lao động là lực lượng sản xuất quan trọng nhất của xã hội. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp cũng như đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ cao là lực lượng sản xuất có trình độ chuyên môn sâu với kiến thức, kỹ năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao; nghiệp vụ quản lý; năng lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ để ứng dụng và phát triển và thực thế sản xuất.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như thích ứng với thông lệ quốc tế, biến đổi khí hậu.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cần thu hút nguồn nhân lực qua đào tạo tại các trường đại học, cử đi đào tạo tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến; cử nông dân tham gia xuất khẩu lao động ứng dụng công nghệ cao. Khi về nước họ đã làm chủ được công nghệ, góp phần tiếp cận nhanh công nghệ cao.

Ông Phạm S cho rằng, nếu làm nông nghiệp công nghệ cao mà người nông dân không tiếp cận công nghệ cao thì đó chỉ là vô hình, chưa tham gia vào được chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp là hạt nhân nhưng cần tạo liên kết nông dân và cán bộ kỹ thuật để tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, nông dân.

Các nước có nền công nghệ cao đi trước Việt Nam có thể đến 40-50 năm. Chúng ta đào tạo mới chỉ đi trước 4-5 năm, trong khi đào tạo lại quá nhiều lý thuyết, khả năng vận dụng công nghệ cao đối với một kỹ sư ra trường còn hạn chế.

Do đó, thời gian tới, tùy điều kiện thực tiễn gắn hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, trong nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 cần bám vào các khâu cốt lõi trong đào tạo như: công nghệ sinh học, công nghệ nano, nhà kính nhà lưới, quản trị môi trường, tự động hóa và đặc biệt là công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin mang tính chất chiều sâu hơn đó là công nghệ rô bốt, quản trị doanh nghiệp… đặc biệt là kết nối quản trị, tài chính thông minh để tạo sự đồng bộ.

“Nếu mỗi người được đào tạo một mảng về nông nghiệp thông minh thì phải mất 4-5 kỹ sư để hoàn tất cho một quy trình sản xuất. Cần đào tạo để tăng tính thực hành và khả năng tích hợp trong một người biết được cả chiều rộng và cả chuyên sâu”, ông Phạm S nói.

Từ thực tiễn trong sản xuất của doanh nghiệp mình, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc cấp cao C.P Việt Nam cho biết, sự phát triển của công ty hiện nay phụ thuộc vào rất lớn vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mỗi năm tuyển dụng 100-200 kỹ sư và bác sĩ thú y.

Công ty C.P Việt Nam đã đưa rô bốt vào thay thế những công việc nặng nhọc. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Tuấn đánh giá, lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam là lĩnh vực rất lớn và tiềm năng. Thực tế công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi của Việt Nam đã ngang tầm với thế giới.

Thế giới đang hướng tới công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam ứng dụng được sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kiểm soát tốt dịch bệnh, thất thoát.

Đặc biệt là sẽ giảm một số nguồn nhân lực đặc biệt trong các công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, môi trường không tốt thì có thể ứng dụng công nghệ 4.0 như rô bốt.

“Doanh nghiệp xác định có phát triển được hay không là do nguồn nhân lực, nếu con người tốt, bắt kịp thời đại, luôn sáng tạo thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ luôn phát triển”, ông Tuấn khẳng định.

Để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của công ty, C.P Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký hợp tác về tuyển dụng, nghiên cứu, đào tạo. Hai bên cùng kết hợp đưa các học sinh học tập và thực hành tại các nhà máy, trang trai. Đây đang là cách làm hiệu quả.

Với doanh nghiệp của mình, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cần đào tạo kiến thức thực tế cho sinh viên.

Khi dinh viên học xong đại cương cần về các doanh nghiệp thực tập 4-5 tháng rồi tiếp tục học các chuyên ngành và sâu hơn thì sau này chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn.

Khi sinh viên ra trường ngoài kiến thức chuyên môn, trình độ tin học phải chuẩn mực, bởi muốn công nghệ số thì phải ứng dụng được công nghệ thông tin và thực sự am hiểu về pháp luật; có khả năng làm việc độc lập ở các lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tích, nền tảng lớn như hiện hay một trong trong những nguyên nhân chính là nguồn nhân lực.

Trước thách thức mới, đòi hỏi mới, nông nghiệp phải hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tổ chức cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập đó, nguồn nhân lực là một trong những giải pháp đột phá mang tích chất quyết định. Trên cơ sở đó mới tận dụng được tài nguyên, thị trường để tiếp tục đưa nông nghiệp nước ta phát triển.

“Đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp then chốt, là một trong 3 trụ cột chiến lược trong tái cơ cấu phát triển kinh tế đất nước hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, đào tạo nguồn nhân lực cho tái cơ cấu nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập, nông nghiệp 4.0 trước hết phải chú ý đồng bộ trong nguồn nhân lực. Đầu tiên là nguồn nhân lực quản lý từ trung ương đến địa phương. Tiếp đến là nguồn nhân lực đào tạo trong các trường, viện; người tổ chức vận hành, tổ chức thực hiện những quy trình ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhóm doanh nhân cũng phải đào tạo để thông qua đó phát động phong trào khởi nghiệp; để chuyển từng bước nông dân thành hợp tác xã, doanh nghiệp thì phải có doanh nhân giỏi. Những nguồn nhân lực để thực hiện chuỗi sản phẩm, bao gồm từ khâu sản xuất cho đến chế biến, thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục