Nông nghiệp - “trụ đỡ” trong lúc khó khăn

07:00' - 14/10/2023
BNEWS Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình tích cực ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Đây là nhận định của Cục Thống kê Ninh Bình trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 của tỉnh này.

Theo Cục Thống kê Ninh Bình, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất một số loại cây trồng chủ đạo trong vụ Đông Xuân tương đương và cao hơn cùng vụ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát; bảo vệ và phòng chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; sản xuất thủy sản phát triển tốt không có dịch bệnh xảy ra.

Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng lúa toàn tỉnh ước đạt 270 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt 264,7 nghìn tấn, tăng 0,1%, sản lượng lúa tái sinh ước đạt 5,3 nghìn tấn; sản lượng ngô đạt 12,2 nghìn tấn, tăng 5%; sản lượng rau các loại ước đạt 175,2 nghìn tấn, tăng 1,1%...

Diện tích lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ đạt trên 2,4 nghìn ha, tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư với các giống lúa mang thương hiệu Ninh Bình như Nếp hạt cau, Nếp hương, Hương Bình…; Lũy kế đến nay toàn tỉnh có trên 4 nghìn ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ.

Diện tích cây lâu năm hiện có đến thời điểm báo cáo ước đạt 7,5 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, diện tích cây ăn quả ước đạt 6,8 nghìn ha, tăng 0,7%.

Các loại cây ăn quả có diện tích tăng so với cùng kỳ năm trước là cây na 0,6 nghìn ha, tăng 11,2%; cây mít 0,1 nghìn ha, tăng 1,8%.

Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng cây ăn quả ước đạt 91 nghìn tấn, tăng 1,6%; trong đó, sản lượng dứa ước đạt 55,7 nghìn tấn, tăng 1,1% và chiếm 61,2% tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh; sản lượng chuối đạt 16,8 nghìn tấn, tăng 1,0%; sản lượng na ước đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 6,3%...

Các mô hình liên kết giữa HTX với công ty, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV, doanh nghiệp thu mua sản phẩm tiếp tục mở rộng như với công ty Hồng Quang, công ty Cường Tân, công ty Bảo Minh Hà Nội, công ty Toản Xuân, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại một số HTX của huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn...

Lĩnh vực thủy sản 9 tháng năm 2023 của Ninh Bình phát triển trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Theo đó, sản lượng thủy sản 9 tháng toàn tỉnh ước đạt 51,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 46 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 5.450 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng cá ước đạt 26,9 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng tôm ước đạt 3,2 nghìn tấn, tăng 7,0%; sản lượng thuỷ sản khác ước đạt 21,3  nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, mặc dù chăn nuôi còn gặp không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên từ quý III/2023, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá thịt lợn hơi và các sản phẩm chăn nuôi khác duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục, tái đàn sản xuất. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 49,1 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 129 triệu quả, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã tạo mối liên kết giữa các hộ nông dân ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Phong trào đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, hình thành mô hình kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành. Đó là:

Lao động nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch sang các ngành nghề phi nông nghiệp, nhất là lao động trẻ, gây ra thiếu hụt lao động trong hoạt động sản xuất. Các dự án đầu tư phi nông nghiệp đã và đang làm giảm diện tích sản xuất trồng trọt qua các năm.

Giá phân bón hữu cơ vẫn ở mức cao trong khi giá phân bón vô cơ giảm trở lại mức trước khi tăng cục bộ làm ảnh hưởng tới việc mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, làm chi phí đầu vào chăn nuôi cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục