Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có những “vụ mùa bội thu”

17:01' - 02/02/2022
BNEWS Năm 2021 - một năm vô cùng khó khăn do dịch bệnh COVID-19, song ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn “thu hoạch” được những “vụ mùa bội thu”, giữ vững vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Đây là cơ sở, động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công mọi nhiệm vụ, “gặt hái” thêm thành tựu mới trong năm 2022.

Linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giữ vững vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế

Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động vô cùng to lớn đối với các lĩnh vực kinh tế-xã hội; trong đó, có ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Có thể thấy, năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành chuỗi sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp, bởi có những thời điểm, hàng loạt chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đứt gãy do đại dịch.

Tôm, cá dưới ao, lợn, gà trong chuồng, rau, quả trong vườn, ngoài đồng đều quá lứa, nhưng không thể tiêu thụ, trong khi nhà máy thì thiếu nguyên liệu, các đơn hàng xuất khẩu cũng không thể đáp ứng...

Bộ đã sớm thành lập hai tổ công tác đặc biệt để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp.

Tổ công tác phía Nam đã tham gia giải quyết được rất nhiều khó khăn vướng mắc, xúc tiến đầu tư, kết nối sản xuất-tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tổ công tác tại các tỉnh phía Bắc ngoài giúp tháo gỡ khó khăn về vận chuyển, tiêu thụ nông sản, còn chỉ đạo những địa phương có tiềm năng, có khả năng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả nước…

Bộ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản trên nền các sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost), Lazada, Alibaba.com, Amazon.com; các doanh nghiệp ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, Goviet…); hỗ trợ các địa phương tiếp cận kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế một cách hiệu quả.

Bộ cũng đã tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam.

Trong đó, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Australia (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)…

Phối hợp các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá nông sản theo hình thức trực tuyến, gắn với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản-Hàn Quốc, Asean, Australia-New Zealand, Trung Đông)...

Theo đó, sản lượng lúa cả năm vẫn đạt gần 44 triệu tấn, vượt chỉ tiêu đặt ra. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Sản lượng rau đạt 18,6 triệu tấn, tăng trên 300 nghìn tấn so với năm 2020; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5-19%.

Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; Sản lượng thủy sản cả năm cũng đạt trên 8,7 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2020… Sản lượng gỗ khai thác đạt 16,15 triệu m3, tăng 4,58%; lâm nghiệp xuất khẩu vượt đích 14,5 tỷ USD. Có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới...

Không chỉ duy trì sản xuất, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kết quả cao kỷ lục - 48,6 tỷ USD - vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD và tăng xấp xỉ 15% so với năm 2020.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản chính đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; xuất khẩu gỗ vượt đích, đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20,7%; xuất khẩu thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%. Năm 2021, nông nghiệp Việt Nam có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su). Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD.

Để dành một từ nói về ngành nông nghiệp trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch COVID-19, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đó là từ "An".

Đó là an toàn quốc gia về mặt năng lượng, an tâm về mặt an ninh lương thực và an lành nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông thôn là điểm tựa vững chắc cho những người hành hương từ các vùng dịch trở về.

Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, với những dự án lớn được triển khai. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đó là một kết quả tất yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, như các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện khoảng một tỷ USD, chưa kể các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: DABACO, Vinamilk, TH milk, Greenfeed, Japfa, CP cũng đầu tư rất lớn cho các dự án.

Như tập đoàn CP đầu tư trong Bình Phước một nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà 250 triệu USD; bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư từ 200 đến 500 triệu USD vào lĩnh vực chăn nuôi. Sắp tới các chuỗi sẽ được đầu tư  công nghệ cao hết, thí dụ như cắt thì không phải bằng dao mà cắt bằng tia nước; tiêm vaccine thì tiêm vào trứng luôn...

Các doanh nghiệp đầu tư lớn như vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu của 97 triệu người của Việt Nam, mà còn tính đến xuất khẩu ra các nước phát triển. Trước đây sản phẩm chăn nuôi chỉ nghĩ tiêu thụ trong nước, nhưng năm nay đã được xuất khẩu, đem lại giá trị hàng trăm triệu USD. Người ta nhận định Việt Nam sẽ là bếp ăn của thế giới, và điều này chắc hai, ba năm tới sẽ thành hiện thực.

Nông nghiệp Việt Nam với ưu thế bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, có vai trò ngày càng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”

Bước sang năm 2022 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Ngành nông nghiệp đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2022, như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,8-3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 45,5 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%...

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.

Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước...

Với những thành tựu đã đạt được trong năm 2021 và quyết tâm lớn trong việc triển khai các nhiệm vụ năm 2022, tin rằng năm nay, nông nghiệp sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, mang lại những cơ hội mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục