Nông sản, thực phẩm Việt vượt rào để xuất khẩu châu Âu

13:23' - 17/08/2018
BNEWS Việt Nam là một trong những quốc gia định hướng phát triển xuất khẩu và nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa trên thế giới.

Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng từ thị trường châu Âu.

Tính riêng ngành thực phẩm trong năm 2017 có hơn 90 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay là hơn 40 trường hợp nhận cảnh báo của thị trường châu Âu.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu châu Âu” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập phối hợp cùng Công ty Bureau Veritas, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/8.

*Tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm

Theo bà Marieke Van Der Pijl – Chuyên gia Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam là một trong những quốc gia định hướng phát triển xuất khẩu và nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô nên còn nhiều cơ hội cải tiến chế biến hàng hóa để tăng giá trị gia tăng cao hơn.

Lý giải về nguyên nhân, các mặt hàng của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu cũng như một số thị trường khác, bà Marieke Van Der Pijl cho rằng là do vướng vấn đề an toàn thực phẩm.

Cụ thể, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu đều đã được chứng nhận chất lượng tại Việt Nam, nhưng mỗi quốc gia và khu vực có tiêu chuẩn khác nhau nên chứng nhận chất lượng của quốc gia về hàng hóa đưa đảm bảo “thông hành” cho hàng hóa nhập khẩu vào các thị trường.

Do đó, khi xuất khẩu vào thị trường nào, doanh nghiệp chỉ cần chứng nhận hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường đó để tiết kiệm chi phí.

Đơn cử, các lô hàng bị nhận cảnh báo và từ chối nhập khẩu vào thị trường châu Âu chủ yếu do dây chuyền lạnh bị đứt quãng trong quá trình vận chuyển, đóng gói chưa bảo bảo an toàn thực phẩm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định… Tại châu Âu, vấn đề an toàn thực phẩm được quản lý rất khắt khe vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.

Bên cạnh đó, khi hàng hóa nhận cảnh báo của thị trường châu Âu không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mất thị trường, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Liên quan đến hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (RASFF) của thị trường châu Âu, ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm Công ty Bureau Veritas cho biết, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin về những cảnh báo tại thị trường châu Âu để giảm rủi ro cho công ty và ngành hàng của mình. Theo thống kê, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, thì Việt Nam chiếm hơn 1/3 số trường hợp nhận cảnh báo từ thị trường châu Âu.

Từ năm 2015 trở về trước thì mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam bị rất nhiều vấn đề về dư lượng kháng sinh, còn hiện tại thì nông sản bắt đầu nổi lên bị nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Qua các trường hợp nhận cảnh báo từ thị trường châu Âu, mặt hàng nông sản đang nổi lên và điều này tương đồng với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường này khá thành công trong những năm gần đây.

RASFF ra đời năm 1979 như là một trung tâm chia sẻ thông tin của các thành viên EU 28 – Ủy ban an toàn thực phẩm liên quốc gia, nhằm cung cấp dịch vụ thông tin trực tuyến mang tên “Round the clock” – vòng tròn thông tin bảo đảm việc gửi đi thông báo, nhận, phản hồi và hiệu quả xử lý thông tin.

Đồng thời, phổ biến thông tin đến cộng đồng người tiêu dùng châu Âu kịp thời và tin cậy. Sức mạnh của các dịch vụ RASFF có thể dẫn đến những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và chất lượng bị thu hồi khỏi thị trường và đánh dấu báo động về uy tín của sản phẩm tại thị trường châu Âu.

Ngoài ra, hiện nay tiêu chuẩn an toàn thực phẩm yêu cầu phổ biến nhất tại thị trường châu Âu có thể kể đến là tiêu chuẩn BRC – Chứng nhận kiểm soát chất lượng và an toàn thực, giúp kết nối nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất và thị trường châu Âu.

Phiên bản đầu tiên của BRC ra đời từ năm 1998, đến nay đã áp ứng phiên bản 8 bắt đầu có hiệu lực chứng nhận từ 1/2/2018.

Đây là tiêu chuẩn gồm các yêu cầu để kiểm soát hàng nhái, hàng giả và kiểm soát việc phê duyệt nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích minh bạch hơn và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung cấp.

*Ưu thế cạnh tranh từ tiêu chuẩn hàng hóa

Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Việt Nam có nhiều sản phẩm tiềm năng, nhưng chưa xuất khẩu được do không được quảng bá, giới thiệu và quy trình sản xuất kinh doanh đảm bảo quy trình chất lượng theo thông lệ quốc tế, cũng như phù hợp với các thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng giá trị cao hơn cho sản phẩm bằng cách cải tiến bao bì, mẫu mã, trọng lượng…

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có gần 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, điều này tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường thế giới.

Đây là một công cụ hiệu quả mà doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi, còn Chính phủ nên có cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển nhiều hơn nữa danh mục các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Bà Nguyễn Kim Thanh, Chuyên gia Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho hay, ngành chăn nuôi Việt Nam là một trong những ngành chịu cạnh tranh khốc liệt nhất trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do.

Kết quả nghiên cứu về cuộc điều tra chuỗi cung ứng gà cho thấy, lượng gà nhập khẩu tăng như một hệ quả tất yếu của các Việt Nam tham gia và ký kết. Đồng thời, tác động mạnh đến môi trường cạnh tranh của ngành sản xuất gà trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại nhưng chưa thành công trong việc tạo ra sản phẩm thịt gà đảm bảo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Dự báo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có khả năng rất cao sẽ được thông qua vào cuối năm 2018 và mở ra cơ hội xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Mặc dù vậy, EVFTA cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng năng lực của hàng hóa tiêu chuẩn cao hơn, vượt qua rào cản kỹ thuật như dán nhãn, đóng gói, thông tin hàng hóa; nhất là những vấn đề về chứng nhận chất lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật…

EVFTA sẽ ảnh hưởng đến một số ngành, một số mặt hàng như chăn nuôi, với các mặt hàng gia súc, gia cầm, sữa… nên doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuẩn bị năng lực cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia có công nghệ sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm cao hơn hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu được giảm, miễn thuế theo lộ trình, nhưng doanh nghiệp cần chú ý về quy tắc xuất xứ nguồn gốc sản phẩm và đây là vấn đề rất quan trọng trong tận dụng lợi thế của EVFTA.

Theo các chuyên gia, đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận tại thị trường nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tăng ưu thế cạnh tranh cho sản phẩm và ngành hàng.

Trong đó, đối với thị trường châu Âu còn ưa chuộng tiêu chuẩn Global GAP – Bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nên nếu áp dụng cùng tiêu chuẩn này sẽ dễ thương thảo với nhà nhập khẩu và cơ hội xuất khẩu cũng cao hơn vào thị trường châu Âu.

Đặc biệt, trong bối cảnh có quá nhiều yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn là một yếu tố hết sức quan trọng, ngay cả trong các tiêu chuẩn cũng đặt ra yêu cầu phải chứng minh được nguồn nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc phải đi từ trang trại đến lái buôn nhà chế biến rồi đóng gói hoặc tái đóng gói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục