Nông sản Việt được tiêu thụ theo cách nào tại chuỗi bán hàng hiện đại?

19:21' - 08/09/2021
BNEWS Nhiều đề xuất về việc đưa nông sản vào hệ thống siêu thị hiện đại và các mắt xích lưu thông chung tay tiêu thụ nông sản nội địa trong bối cảnh dịch bệnh.

Giải pháp tiêu thụ nông sản Việt tại các chuỗi bán hàng hiện đại là chủ đề chính của buổi tọa đàm do báo Báo điện tử VnExpress tổ chức chiều 8/9 theo hình thức online.

Tại buổi tọa đàm các diễn giả tiếp tục bàn luận đến nội dung chính là đưa nông sản vào hệ thống siêu thị hiện đại và các mắt xích lưu thông chung tay tiêu thụ nông sản nội địa trong bối cảnh dịch bệnh.

*Đưa nông sản vào hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử

Những năm vừa qua, các chuỗi siêu thị trong nước và các sàn thương mại điện tử đã thông qua những kênh phân phối bán lẻ thực phẩm cũng như tận dụng ưu thế kinh doanh online đang được ưa chuộng hiện nay để phối hợp với các cơ quan chức trách tạo nên chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm nông sản Việt Nam chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các chuỗi bán hàng hiện đại với các đầu mối logistics (dịch vụ hậu cần) cũng đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các chuỗi phân phối hiện đại và các dịch vụ logistics kèm theo như kho bãi, vận chuyển cũng có những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, buộc chúng ta cần phải có những phương án phối hợp nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tối đa những đứt gãy trong quá trình lưu thông hàng hóa nông sản.

Tuy nhiên, các “mắt xích” trong chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hoàn toàn trơn tru hay chưa, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp. Việc đưa nông sản vào các kênh bán lẻ hiện đại đã có tác động như thế nào đối với ngành nông nghiệp?

Theo bà Trần Diễm Sa - Trưởng phòng Thu mua ngành thực phẩm tươi sống, Công ty TNHH AEON Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế và nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Các chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch cũng phần nào khiến hoạt động tiêu thụ nông sản theo truyền thống (mang ra chợ đầu mối, chờ thương lái đến thu mua) trở nên bất khả thi.

Việc triển khai tiêu thụ nông sản trên kênh mới sẽ mở một đầu ra mới với nhiều ưu điểm, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất, người tiêu dùng mua được thực phẩm, nông sản với chất lượng tốt bất kể trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng gặp phải một số rào cản ở khâu đưa người dân lên môi trường số, đó là việc thay đổi tư duy buôn bán của người nông dân và cách sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.

Do quen với việc buôn bán truyền thống, một số các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ với việc mua bán trực tuyến, giao dịch online và chưa nắm bắt được hết các ưu điểm của việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Theo bà Sa, để việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử được thuận lợi, đầu tiên công ty phải đảm bảo người nông dân thấu hiểu các ưu điểm và thế mạnh của kênh thương mại điện tử. Trên các gian hàng thương mại điện tử, người nông dân có thể đưa sản phẩm của mình tiếp cận tới hàng triệu người tiêu dùng tiềm năng trên cả nước chứ không chỉ còn là những khách lẻ ở địa phương lân cận.

Ngoài ra, thông qua việc làm quen với công nghệ hiện đại trên ứng dụng sàn thương mại điện tử, người nông dân có thể chủ động chụp hình, livestream, tương tác với khách hàng, chủ động quản lý kho hàng và có quy trình đóng gói hàng hóa để vận chuyển đến sản phẩm đến tay người tiêu dùng giữ với chất lượng tươi ngon nhất.

Những năm gần đây, ngay từ trước khi dịch COVID-19 diễn ra, người tiêu dùng ngày càng chuyển hướng “đi chợ” từ chợ truyền thống sang các chuỗi siêu thị và các cửa hàng thực phẩm sạch. Tức là, thực phẩm thông thường của gia đình cũng được lựa chọn từ những hệ thống siêu thị hoặc trên các sàn thương mại điện tử thay vì ở chợ.

Nay dưới tác động của đại dịch COVID-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua thương mại điện tử.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm đều cho rằng, mọi người chủ động thực hiện các giao dịch trên sàn và thanh toán trực tuyến. Các mặt hàng trước đây được mua sắm nhiều nhất là thời trang, điện tử, gia dụng thì nay các mặt hàng thực phẩm tươi, rau củ quả, đồ thiết yếu hàng ngày cũng được người dân đặt mua thông qua sàn thương mại điện tử. 

Trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ còn phát triển vượt bậc hơn khi người tiêu dùng đã có một khoảng thời gian dài sử dụng thương mại điện tử và dần quen với việc mua sắm trực tuyến.

Cũng theo bà Trần Diễm Sa, số lượng đơn đặt hàng đã tăng một cách đột biến khi có các chỉ thị giãn cách, người dân buộc phải mua sắm mọi vật dụng và thực phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Nhu cầu mua sắm online của người dân tăng tuy là tín hiệu tích cực đối với các sàn thương mại điện tử nhưng cũng tạo áp lực lớn lên chính hệ thống xử lý và phân phối của họ.

Nếu xử lý không tốt, dù chỉ 1 lần, khách hàng sẵn sàng chuyển sang một nền tảng online khác thuận tiện hơn. Đây sẽ là thách thức để các sàn thương mại điện tử không ngừng cải tiến và hoàn thiện bản thân.

*Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm

Để các sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị, có chỗ đứng vững chắc trên các sàn thương mại điện tử thì doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chú trọng những yếu tố gì? Theo ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, để đảm bảo chất lượng nông sản trên sàn thương mại điện tử, ngay từ khâu tiếp xúc với các nhà vườn và hộ sản xuất nông nghiệp cần thực hiện kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt.

Theo đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đã có chứng nhận VietGAP và GlobalGAP cùng các loại giấy tờ, chứng nhận tương đương khác. Để làm được điều đó, việc phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương và với các hợp tác xã là không thể thiếu.

Nhờ có sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, đến nay  các sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đều được cam kết về chất lượng.

Bên cạnh đó, nông sản có đặc điểm là loại sản phẩm thời gian tiêu thụ ngắn, nên để đảm bảo chất lượng khi tới tay người mua, Vỏ Sò cũng triển khai đào tạo, hướng dẫn nông dân cách thức đóng gói, bảo quản sản phẩm sao cho phù hợp với công tác vận chuyển nhất.

Điển hình như mùa vụ vải thiều năm nay tại Bắc Giang. Đội ngũ nhân viên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã đến tận nơi, cùng người dân thu hoạch vải, hướng dẫn sơ chế và đóng gói trong những hộp xốp, có thể cần thêm đá để giữ nhiệt độ phù hợp nhất cho vải thiều, đảm bảo vẫn tươi ngon sau nhiều giờ vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ xa như miền Nam.

Viettel Post cũng đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Do đó đối với các loại sản phẩm nông sản khó bảo quản, Viettel Post sẵn sàng thay đổi luồng logistics, đầu tư xe và kho lạnh để bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển. Đồng thời, Viettel Post cũng tăng tần suất xe kết nối giữa các điểm để có thể nhanh chóng đưa sản phẩm đến người nhận trong thời gian ngắn nhất.

Ngoài ra, Viettel Post cũng đang ưu tiên tiêu thụ nông sản nội tỉnh và các tỉnh thành lân cận. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, luồng vận tải liên tỉnh, liên vùng còn nhiều hạn chế thì việc tập trung tiêu thụ nông sản ngay tại tỉnh thành được cho là một giải pháp hợp lý.

Khi đó, quãng đường vận chuyển ngắn lại, vừa giảm thời gian giao hàng, vừa tối ưu được chi phí vận chuyển, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được giao tới tận tay người mua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục