Nước hồ Hòa Bình xuống thấp ảnh hưởng tới kế hoạch phát điện và tích nước

09:58' - 23/10/2019
BNEWS Thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước hồ thủy điện Hòa Bình thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.
Nước hồ Hòa Bình xuống thấp ảnh hưởng tới kế hoạch phát điện và tích nước. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, năm nay, thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước hồ thủy điện Hòa Bình thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn duy trì đủ mức nước để đảm bảo cấp nước phục vụ hạ du, đặc biệt là cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hà Nội.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô hạn có khả năng tiếp tục xảy ra ở những tháng cuối năm 2019, việc tích nước ở các hồ chứa vẫn sẽ còn rất khó khăn. Do vậy, việc tuân thủ các quy định của quy trình (đảm bảo mực nước hồ, cấp nước hạ du...), cũng như khả năng tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm các hồ chứa trên lưu vực sông Đà gần như là không thể thực hiện được.

Theo tính toán của EVN, nếu tần suất nước về các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tiếp tục duy trì như thời gian qua, cùng với việc các nhà máy thủy điện trên bậc thang phải duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp nước cho nhà máy nước sông Đà thì dự kiến đến ngày 31/12/2019, tổng lượng nước tích được của các hồ chứa trên lưu vực thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm hiện tại.

Trong tháng 11, 12/2019 và giai đoạn đầu năm 2020, trước đợt xả nước Đông Xuân, căn cứ tình hình thời tiết thủy văn và tình hình thực tế mực nước hồ, EVN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép điều chỉnh lưu lượng xả ra hạ lưu trung bình ngày thấp hơn so quy định trong quy trình. Từ đó, tích và duy trì mực nước hồ cao nhất có thể đến thời điểm trước khi thực hiện các đợt gia tăng xả nước phục vụ cho gieo cấy vụ Đông Xuân.

EVN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài và sớm có những phương án để chủ động, tranh thủ tận dụng nguồn nước tối đa để tiết kiệm. Đồng thời, rút ngắn thời gian xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2019-2020 trong điều kiện lượng nước xả từ các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt là giải pháp lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng trên tinh thần chủ động không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện.

Hồ thủy điện Hòa Bình là thủy điện cuối cùng trên hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Đà nên lượng nước về trên lưu vực sông Đà cũng chính là lượng nước về hồ Hòa Bình.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9, lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 32,75 tỷ m3 chỉ bằng 74% so cùng kỳ trung bình nhiều năm, đặc biệt thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ năm 2018 (51,92 tỷ m3).

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, mùa lũ năm nay, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đưa công trình vào vận hành đến nay đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của EVN nói chung và Công ty thủy điện Hòa Bình nói riêng.

Mực nước tại hồ Hòa Bình ngày 22/10/2019 là 106,7 m thấp hơn mực nước dâng bình thường là 10,3m, dung tích hữu ích của hồ Hòa Bình ở mực nước 117 m là 6,06 tỷ m3 và như vậy hồ chứa hiện tại còn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 nước. Việc thiếu hụt nghiêm trọng nước về hồ đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của Công ty thủy điện Hòa Bình. Dự kiến, sản lượng điện của công ty sẽ không đạt theo kế hoạch dự kiến từ đầu năm 2019  là 9,575 tỷ kWh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục