Nước Nga trong quá trình hội nhập Liên minh Kinh tế Á Âu

05:30' - 25/07/2017
BNEWS Nga đóng vai trò quan trọng trong khả năng hợp tác của Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) với các đối tác tiềm năng khác và liên minh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hội nhập đó.
Nước Nga trong quá trình hội nhập Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Ảnh: Sputnik

Trang mạng “Nước Nga tương lai: Giai đoạn 2017-2035” mới đây có bài viết của Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế Aleksandr Knobelyu giải thích hội nhập quốc tế là một quá trình bao gồm việc giảm các chi phí thương mại trong mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa các quốc gia. Nếu được tổ chức đúng cách và bài bản thì hội nhập quốc tế sẽ mang đến lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Trái với một số kết luận vội vàng khi cho rằng hội nhập là một trò chơi với tổng bằng không, hội nhập là việc tiến hành phân bổ nguồn lực bổ sung giữa các thành viên tham gia nhằm gỡ bỏ các rào cản thuế và phi thuế quan, vốn làm tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên.

Tất nhiên bất cứ bên nào tham gia cũng muốn nhận về càng nhiều lợi ích càng tốt từ việc gỡ bỏ các rào cản thương mại đó, chính bởi vậy mà luôn cần đến quá trình đàm phán. Trong hội nhập thương mại quốc tế, mặc dù nhìn chung các nước “cùng thắng” nhưng mỗi quốc gia vẫn tồn tại sự bất lợi trong một số lĩnh vực nhất định. Việc gỡ bỏ rào cản cũng đồng nghĩa với việc tăng tính cạnh tranh.

Ví dụ như cạnh tranh từ các nhà cung cấp nước ngoài có trình độ chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nhất định, khi đó, các quốc gia ít có khả năng cạnh tranh nhất trong lĩnh vực đó sẽ là người thua cuộc.

Khi hình thành các quan điểm đàm phán, các quốc gia hoặc chủ thể thương mại sẽ xem xét khả năng của mình trong một số lĩnh vực riêng biệt để từ đó xác định vị thế trong các cuộc đàm phán của mình.

Như vậy, một mặt, việc thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu là rất phức tạp bởi trên thực tế, tất cả các quốc gia đều muốn thu về càng nhiều lợi ích càng tốt, mặt khác, vị thế đàm phán của từng quốc gia cũng rất phức tạp do sự thiếu cân bằng giữa các nhóm ngành công nghiệp, hay còn gọi trong thuật ngữ kinh tế là “nhóm lợi ích đặc biệt”.

Theo ông Aleksandr Knobelyu, khi các đối tác thương mại đạt được thoả thuận mà một nước lại không tham gia vào quá trình đàm phán thì trong tương lai nước này sẽ phải gánh chịu tổn thất do không được kết nối với một cấu trúc mới của quan hệ kinh tế - thương mại thế giới.

Hiệp định thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) được ký chính thứ bởi ba nước thuộc Liên Xô cũ gồm Belarus, Kazakhstan, và Nga, sau đó Armenia và Kyrgyzstan cũng gia nhập lần lượt vào 9/10 và 23/12/ 2014.

Theo ông Aleksandr Knobelyu, EAEU là một liên minh thuế quan chính thức. Không có các giới hạn về thuế quan và tự do lưu thông hàng hoá (với một số trường hợp ngoại lệ) là một thành tích tuyệt vời của các quốc gia trong liên minh này.

Kinh tế Nga chiếm một tỷ trọng lớn trong EAEU. Ảnh: Reuters

Giảm các rào cản thương mại nội bộ sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của chính liên minh này trên thị trường quốc tế. Đồng thời, nó mở ra khả năng hội nhập với các quốc gia thứ ba, các đối tác tiềm năng và liên minh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hội nhập đó.

Điều quan trọng là phải xây dựng một quan điểm chung giữa các quốc gia thành viên của EAEU và duy trì quan điểm đó trong quan hệ hợp tác với các đối tác khác.

Nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng phát triển Á-Âu Yaroslav Lissovolik cho rằng EAEU mới tồn tại trong một thời gian ngắn, ở giai đoạn đầu của sự phát triển, và sẽ là không công bằng nếu so sánh thành tựu của EAEU với Liên minh châu Âu (EU) vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ nay.

Thành tựu rõ ràng nhất được thể hiệu qua tăng trưởng kim ngạch thương mại và xuất khẩu giữa các nước thành viên. Ví dụ, Armenia đã thay thế các nhà cung cấp thực phẩm phương Tây tại thị trường Nga sau khi Moskva bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo số liệu thống kê, năm 2016, tổng kim ngạch thương mại giữa các quốc gia trong liên minh đạt 42,6 tỷ USD, trong đó Nga chiếm 26,6 tỷ USD, Kazakhstan - 3,9 tỷ USD, Belarus - 11,3 tỷ USD, Armenia - 0,4 tỷ USD và Kyrgyzstan - 3,9 tỷ USD.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là kinh tế Nga chiếm một tỷ trọng lớn trong EAEU. Theo nhà kinh tế Yaroslav Lissovolik, trên thực tế, hiệu quả từ việc hội nhập vào Liên minh Kinh tế châu Âu không mang lại nhiều lợi ích cho Nga.

Nga đang tích cực tham gia vào các liên minh ngoại thương trên cơ sở các khu vực thương mại tự do với chính các đối tác trong EAEU, đây là yếu tố quan trọng đối với Nga trong việc tạo ra “một vành đai láng giềng tốt” và “một vành đai ổn định và tăng trưởng”.

Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể sự ổn định và khả năng dự báo phát triển kinh tế của nước này, cũng như giảm các cú sốc từ bên ngoài có thể tác động thông qua các kênh chính trị hoặc kinh tế đối với Nga.

Theo các nghiên cứu của cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy các quốc gia sẽ phát triển dài hạn trong trường hợp họ có các đối tác thương mại láng giềng năng động, đang phát triển.

Chính vì vậy, những gì mà Nga đang triển khai trên quan điểm hội nhập là hoàn toàn phù hợp với xu hướng thế giới và lợi ích quốc gia của nước  Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục