Nuôi hàu ở Trà Vinh lâm cảnh bấp bênh đầu ra

16:20' - 03/08/2017
BNEWS Nghề nuôi hàu ở các vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh được hình thành và phát triển chỉ mới qua 4 năm.
Ai cũng nghĩ đây là con nuôi mới, cho hiệu quả kinh tế khá cao sẽ giúp cho người dân vùng biển tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, do hàu thương phẩm không tìm được đầu ra ổn định nên rơi vào tình cảnh rớt giá vì cung vượt cầu.

Ông Trần Trường Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, nơi có số lượng người nuôi hàu nhiều nhất tỉnh cho biết, năm 2013 trên địa bàn huyện chỉ có vài hộ nuôi hàu. Nhưng vì hàu dễ nuôi, cho lợi nhuận cao nên đã tăng nhanh về số lượng bè nuôi hàu trên địa bàn huyện.

Hiện nay, huyện Duyên Hải có 72 bè nuôi hàu với diện tích khoảng 540m2/bè, tổng diện tích khoảng 39.000m2, năng suất bình quân từ 4,5 – 5 tấn/ bè, sản lượng hàu thu hoạch mỗi vụ trên 324 tấn. Với sản lượng này, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh được 30%, còn 70% gần như bị “bí” đầu ra.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Duyên Hải còn khoảng 60 tấn hàu thương phẩm của người dân đã đến thu hoạch, nhưng phải “neo” bè chờ giá. Còn ở thị xã Duyên Hải, hiện nay cũng còn 4 bè nuôi hàu, với tổng diện tích khoảng 12.00m2, sản lượng khoảng hơn 30 tấn hàu thương phẩm chưa thu hoạch vì không tìm được đầu ra với giá cả hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thuận, một hộ dân nuôi hàu ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải cho biết, hàu thương phẩm loại 3 - 4 con/kg hiện nay chỉ bán được với giá 14.000 đồng/kg, thấp hơn 6.000 – 8.000 đồng/kg so với 2 năm trước. Với giá hàu thương phẩm hiện tại người nuôi không có lời, lỗ công bảo vệ, chăm sóc gần cả năm trời.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thuận, hàu rất dễ nuôi, ít rủ ro. Nuôi hàu chỉ cần chọn vị trí đoạn sông có môi trường nước tốt, có lưu lượng nước chảy, lớn - ròng ổn định để giăng bè nuôi. Hàu giống thiên nhiên ở vùng biển Duyên Hải khá dồi dào, người nuôi chỉ làm giàn rồi thả vật bám xuống khoảng 30 ngày là có hàu con xuất hiện đeo bám.

Hàu giống bám vào giàn tự ăn nguồn tảo có sẵn trong nước biển, sau 10 – 11 tháng sẽ lớn đạt kích cỡ từ 4 – 5 con/kg. Người nuôi lựa chọn những con trưởng thành để bán. Cứ như vậy, chỉ cần thả vật bám 1 lần, có thể thu hoạch hàu đến khi thay bè mới.

Còn theo ông Trần Trường Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, năm 2016 và 2017, huyện Duyên Hải đã thành lập 2 hợp tác xã nuôi hàu nhằm tạo lợi thế cho người nuôi. Tuy nhiên, cả 2 hợp tác xã nuôi hàu này vẫn chưa thể tự tìm đầu ra, chưa liên kết được với doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Để khai thác hiệu quả về điều kiện ưu đãi của thiên nhiên đối với nghề nuôi hàu, ông Trần Trường Giang cho rằng, cần có sự hỗ trợ tích cực của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh về mặt chuyển giao kỹ thuật nuôi hàu; giúp các hợp tác xã nuôi hàu kết nối cùng doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm. Có vậy, nghề nuôi hàu trong tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao và không lâm cảnh bấp bênh về đầu ra như hiện tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục