Nuôi trồng thủy sản bền vững là sinh kế cho hàng triệu người dân châu Á ​

20:52' - 29/11/2021
BNEWS Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản sẽ tạo sinh kế cho hàng triệu người dân châu Á.

Ngành nuôi trồng thủy sản đã phát triển nhanh chóng ở khu vực châu Á trong ba thập niên vừa qua. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng này là sản lượng đánh bắt cá tự nhiên bị đình trệ và chững lại ở mức chỉ trên 80 triệu tấn/năm từ thập niên 1980.

Kể từ đó, ngành nuôi trồng thủy sản đã cung cấp hơn 100 triệu tấn sản phẩm cho nhu cầu tiêu thụ của con người, trong đó khu vực châu Á chi phối phần lớn sản lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ngành này đang phải đối mặt với những quan ngại về tính bền vững môi trường. Hai chuyên gia Takashi Yamano, chuyên gia kinh tế cao cấp, Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Aya Suzuki, chuyên gia kinh tế học phát triển và Giáo sư tại Đại học Tokyo, đã có bài viết nhận định về vấn đề này.

* Hoạt động nuôi sống hàng triệu người dân châu Á

Nuôi cá và tôm nước ngọt là hai hình thức nuôi trồng thủy sản chính ở châu Á. Việc tăng sản lượng cá từ hoạt động nuôi ở đất liền đã làm giảm giá cá tại thị trường nội địa, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nghèo trong khu vực. Ngành nuôi trồng thủy sản đã tạo ra một lượng việc làm đáng kể và con số này đang ngày một gia tăng, cung cấp nhiều việc làm hơn cho phụ nữ so với nghề đánh bắt tự nhiên vốn do nam giới chi phối.

Nghề nuôi tôm đã trở nên phổ biến sau khi tiến bộ công nghệ giúp tăng cường hoạt động này trong thập niên 1980. Các cơ sở tư nhân, nổi bật là các tập đoàn ở Nhật Bản và Thái Lan, đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm ở các quốc gia châu Á như Việt Nam.

Việt Nam là một trường hợp điển hình thú vị. Năm 2000, Việt Nam cho phép chuyển đổi ruộng lúa thành ao nuôi. Ban đầu, tôm xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều quốc gia nhập khẩu từ chối, với nguyên nhân chính được nêu là do dư lượng kháng sinh cao trong sản phẩm. Sau những nỗ lực phối hợp của các nhà sản xuất, thương nhân và các cơ quan chính phủ, tỷ lệ từ chối tôm xuất khẩu từ Việt Nam đã giảm xuống và Việt Nam hiện là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định, bao gồm tình trạng nhiễm mặn đất đã làm ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp, tình trạng sụt lún đất do sử dụng quá mức nước ngầm, bùng phát dịch bệnh thường xuyên ở tôm, cá do các phương thức nuôi trồng thâm canh, sử dụng sai thuốc kháng sinh bị cấm, tàn phá rừng ngập mặn và sự lệ thuộc vào đánh bắt cá tự nhiên để làm thức ăn, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Trong bối cảnh đó, đã có nhiều nỗ lực được triển khai để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

Tại Thái Lan, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán sức khỏe của tôm hoặc chất lượng nước được cung cấp miễn phí cho những người nuôi tôm đăng ký với chính phủ.

Hơn nữa, hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Thái Lan được thiết kế chặt chẽ, đòi hỏi phải cập nhật một bộ tài liệu về dịch chuyển bất cứ khi nào tôm được chuyển giao giữa hai bên ở mọi giai đoạn, từ trại giống đến nhà máy chế biến. Thông qua những nỗ lực này, dư lượng kháng sinh không còn là vấn đề ở Thái Lan.

Trong khi đó, các nhóm nhà sản xuất cũng tích cực chia sẻ thông tin kỹ thuật và thị trường trên mạng xã hội. Những nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, chuyên gia và học giả đã chia sẻ các mẹo hữu ích và kiểm tra thông tin không phù hợp trên các nhóm này. Hiện đã có sẵn các ứng dụng kỹ thuật số trên điện thoại di động để kiểm tra tình trạng sức khỏe của sản phẩm nuôi trồng thủy sản thông qua hình ảnh.

Nhìn chung, sử dụng công nghệ kỹ thuật số có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng bao trùm bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận thông tin kỹ thuật và tiếp cận thị trường với chi phí phù hợp cho nông dân ở các vùng sâu vùng xa.

* Các khuyến nghị để tăng tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản

Với đại dịch COVID-19, năm 2020 là năm đầu tiên trong vòng 60 năm qua thế giới chứng kiến sản lượng nuôi trồng thủy sản sụt giảm. Việc hạn chế di chuyển, đóng cửa tạm thời các nhà hàng và khách sạn, cùng các biện pháp vệ sinh bổ sung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các đơn vị nuôi trồng thủy sản do nhu cầu giảm và chi phí sản xuất gia tăng.

Một nghiên cứu ước tính thiệt hại do các đợt phong tỏa đối với ngành nuôi tôm ở Ấn Độ vào khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ở một số nước như Ecuador (Ê-cua-đo), Indonesia và Việt Nam, sản lượng tôm vẫn tăng bất chấp khó khăn. Đáng chú ý, vào năm 2020, Ecuador đã giành vị trí nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới từ Ấn Độ.

Trong khi giá cả vẫn ở mức thấp, sự phục hồi sớm của thị trường Trung Quốc và nhu cầu gia tăng đối với thực phẩm chế biến sẵn ở Mỹ đã dẫn đến sự phục hồi của thị trường thủy sản toàn cầu vào cuối năm 2020.

Khi ngành nuôi trồng thủy sản mở rộng trên khắp thế giới, cạnh tranh toàn cầu cũng gia tăng và đó cũng là lúc người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn những vấn đề về tính bền vững xung quanh lĩnh vực này.

Khi người tiêu dùng ở khu vực trở nên giàu có hơn, họ sẽ đòi hỏi sự đa dạng cao hơn trong chế độ ăn uống. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Á vì thế cần theo kịp nhu cầu ngày càng tăng đồng thời bảo đảm tính bền vững của tăng trưởng.

Để làm được điều này, một số khuyến nghị đã được nêu ra. Trước hết, để bảo đảm rằng người nuôi cá tuân thủ các thông lệ tốt, chính phủ và các tổ chức hỗ trợ nên tích cực sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nhiều yếu tố quan trọng đối với nuôi trồng thủy sản bền vững, ví dụ như chất lượng nước và sức khỏe vật nuôi, có thể được hình dung rõ ràng bằng các công nghệ gần đây và giúp người nông dân đưa ra quyết định canh tác phù hợp. Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng công nghệ kỹ thuật số để bảo đảm truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn. Điều này sẽ làm tăng uy tín của quốc gia xuất khẩu.

Một khó khăn trong việc nuôi cá là tình trạng tràn nước từ các ao nuôi cá sang các trang trại trồng trọt lân cận. Do đó, cần đưa ra những quy tắc và kế hoạch giám sát việc sử dụng nước, tốt nhất là do chính những người trồng trọt và nuôi cá tự thực hiện. Những hệ thống quản lý nước địa phương này được phổ biến trên khắp thế giới giữa những người trồng trọt và nuôi cá – những người chia sẻ nguồn nước ngầm để tưới tiêu nhằm bảo vệ lợi ích chung của địa phương.

Cuối cùng, cần nghiên cứu thêm về các phương thức nuôi cá phù hợp với môi trường của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Mặc dù việc nghiên cứu và phát triển quy mô lớn để nuôi tôm hoàn toàn trong đất liền tại các cơ sở như nhà máy đã được tiến hành tại các nước phát triển, nhưng những nghiên cứu này không áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ ở châu Á.

Bản thân những người nông dân quy mô nhỏ cũng đã thử áp dụng các phương pháp canh tác sáng tạo trong lĩnh vực này, chẳng hạn nuôi tôm trong môi trường nước có độ mặn thấp, xen canh hoặc luân canh tôm - lúa để kiểm soát độ mặn và chất dinh dưỡng của đất, và sử dụng các ao hình tròn thay vì hình vuông để thúc đẩy lưu thông nước tốt hơn. Những đổi mới ở cấp độ nông trại này nên được xem xét kỹ lưỡng hơn và thúc đẩy nếu được chứng minh là có hiệu quả.

Đại dịch cho thấy rõ rằng các phương thức nuôi trồng thủy sản trước đây là không bền vững. Do đó, việc áp dụng các chính sách và thực tiễn phù hợp sẽ hỗ trợ những người nuôi cá và hàng triệu người dân ở châu Á và Thái Bình Dương - những người đang dựa vào con cá để nuôi sống gia đình mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục