Nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó vì ngập mặn

16:19' - 16/09/2016
BNEWS Mặc dù là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều trở ngại do tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN
Chia sẻ trong hội thảo chuyên đề về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp, ngư nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt – Pháp lần thứ 10 diễn ra ngày 15/9 tại thành phố Cần Thơ, PGS. TS Trần Ngọc Hải, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, mặc dù là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào kinh tế xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhưng hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều trở ngại do tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. 

Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm của Việt Nam giao động từ 850.000-1.100.00 ha với sản lượng 2,4-3,4 triệu tấn; trong đó, riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70-74% tổng diện tích và sản lượng của cả nước. Theo một kết quả khảo sát trên các hộ nuôi tôm nước lợ và các hộ nuôi tôm nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm 2016 của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy, mùa mưa ngày càng đến trễ hơn, mưa ngày càng ít hơn, mùa nóng ngày càng nóng hơn, độ mặn ngày càng cao hơn ở vùng nuôi tôm ven biển, nhưng tại các vùng nuôi cá nước ngọt khảo sát chưa nhận thấy sự thay đổi lớn. 

Cũng theo kết quả khảo sát, mưa to, nhiệt độ cao, độ mặn tăng cao có ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe và tăng trưởng của tôm nuôi ở vùng ven biển, tuy nhiên, các yếu tố trên chưa ảnh hưởng lớn đến nuôi cá ở vùng nước ngọt. Các hộ nuôi tôm đã có các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với các thay đổi thời tiết và độ mặn trong thời gian qua. Còn theo những người nuôi cá tra, có rất nhiều yếu tố tác động đến nghề nuôi như biến động giá cả, thị trường, vốn,... nên biến đổi khí hậu chưa ảnh hưởng lớn đến nghề này. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hải, cũng có rất nhiều nông hộ không biết về nguy cơ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; ảnh hưởng của các vấn đề này cũng như biện pháp ứng phó. Điều này cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, tập thuấn cho người dân là rất cần thiết để chủ động ứng phó hiệu quả. 

Hiện nay, nhiều mô hình nuôi tôm biển, cá tra cùng các loài thủy sản nước lợ, nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả. Trong các đối tượng thủy sản nuôi trồng trong cả nước, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, nuôi tôm biển là ngành mũi nhọn nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm biển cả nước là 623.000 ha, sản lượng đạt 491.000 tấn; trong đó, tôm sú chiếm 557.000 ha và 248.000 tấn; tôm thẻ chân trắng 66.000 ha và 243.000 tấn. 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm chủ yếu, với 94% tổng diện tích nuôi và 81% sản lượng tôm của cả nước. Hiện các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm - lúa có ý nghĩa rất quan trọng do kỹ thuật đơn giản, chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro, thân thiện môi trường, chất lượng sản phẩm cao. Theo đó, mô hình tôm – lúa luân canh đang là mô hình trọng điểm để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển mở rộng trong điều kiện xâm nhập mặn. 

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh trong nhà kín, đang được bắt đầu nghiên cứu, áp dụng và cho năng suất rất cao, từ 20-40 tấn/ha. Đây là mô hình rất triển vọng do giảm thiểu tác động của thời tiết, an toàn sinh học; giảm chi phí thức ăn; truy xuất được nguồn gốc; không sử dụng thuốc kháng sinh; thân thiện môi trường do hạn chế sử dụng nước và giảm thiểu chất thải, và có thể áp dụng được cả qui mô nhỏ hay lớn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình này với kết quả rất khả quan. T heo ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, một trong các công ty thực hiện thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ở Bạc Liêu, mô hình này cho năng suất rất cao, trên 100 tấn/ha/năm. Tôm thương phẩm có chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất trên thế giới. 

Để tăng cường cảnh báo, nâng cao nhận thức và năng lực trong thích ứng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, PGS. TS Trần Ngọc Hải đề xuất cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi và mô hình thủy sản nước lợ và nuôi biển. Nghiên cứu phát triển các hệ thống nuôi thủy sản mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như nuôi bể, nhà kín, Biofloc, tuần hoàn, nuôi kết hợp, … với các qui mô khác nhau. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về biến đổi và xâm nhập mặn cùng nhiều giải pháp khác cũng cần được đẩy mạnh để giúp người dân chủ động theo dõi và ứng phó phù hợp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục