Ô nhiễm nguồn nước suối Cái tại Phú Thọ: Các cơ quan chức năng "bó tay"?

14:43' - 05/05/2017
BNEWS Tình trạng nguồn nước suối Cái chảy qua xã Yên Sơn và xã Yên Lương bị ô nhiễm do nhà máy giấy Thuận Phát xả thải ra đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được xử lý.
Nguồn nước suối Cái tại Phú Thọ bị ô nhiễm do nước thải xả ra từ nhà mát giấy Thuận Phát. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến vụ việc một nhà máy sản xuất giấy ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xả thải gây ô nhiễm suối Cái ở xã, Yên Sơn và xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ, nhiều năm qua, phóng viên TTXVN đã tìm hiểu thực tế tại nhà máy và làm việc với các cơ chức năng quan liên quan để làm rõ vấn đề này.

Ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát (Nhà máy giấy Thuận Phát) – đơn vị gây ra ô nhiễm nguồn nước suối ở Phú Thọ thừa nhận, trước khi nước thải của nhà máy xả thải ra môi trường đều phải xử lý, chất lượng nước thải sau xử lý, giới hạn các thông số, nồng độ chất ô nhiễm được phép xả nước thải phải đạt quy chuẩn Việt Nam mới tiến hành xả thải ra môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nước xả thải ra môi trường còn có một số chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm suối Cái.

Ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn khẳng định, tình trạng nguồn nước suối Cái chảy qua xã Yên Sơn và xã Yên Lương bị ô nhiễm do nhà máy giấy Thuận Phát xả thải ra. Nhưng doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên chúng tôi không thể trực tiếp xử lý được, chỉ đề nghị, phối hợp với cơ quan chức năng Hòa Bình để giải quyết.

Trên thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ và huyện Thanh Sơn đã nhiều lần làm việc với huyện Đà Bắc và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình để giải quyết việc xả thải của nhà máy giấy Thuận Phát.

Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Thanh Sơn khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước suối Cái. Kết quả cho thấy, nước suối có màu xám, sủi bọt, các mẫu nước suối Cái so sánh với QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (cột A2) - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt có thông số BOD vượt từ 2,55-3,20 lần; COD vượt 1,28-1,71 lần.

Ngay sau khi đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do nhà máy giấy Thuận Phát gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình thông báo kết quả khảo sát, đánh giá và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nguồn thải có hoạt động xả thải vào suối Cái đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình, đặc biệt đối với nhà máy giấy Thuận Phát.

Ngày 7/4/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tiếp tục có văn bản số 685/TNMT-CCMT đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình phối hợp giải quyết ô nhiễm nguồn nước suối Cái. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo huyện Đà Bắc và nhà máy giấy Thuận Phát tìm biện pháp xử lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn cho rằng, việc xả thải của nhà máy giấy Thuận Phát gây ô nhiễm suối Cái suốt thời gian dài, người dân bức xúc, trong khi cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chưa xử lý dứt diểm.

Huyện Thanh Sơn đã báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ để có biện pháp phối hợp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất việc nhà máy xả thải ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân tại địa phương.

Cũng theo ông Tám, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý tận gốc tình trạng nhà máy giấy Thuận Phát gây ô nhiễm suối Cái theo hai phương án. Một là phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu; hai là phải đóng cửa nhà máy.

Thiết nghĩ, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có xả thải ra môi trường đóng tại địa bàn giáp ranh giữa 2 hoặc nhiều địa phương cơ quan quản lý nhà nước cần áp dụng những chế tài quy định xử phạt riêng biệt theo hướng đơn vị chức năng của địa phương nào cũng có quyền xử phạt nếu tìm thấy bằng chứng vi phạm tiêu chuẩn chung của Việt Nam.

Có như vậy các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm mới không thể "lách luật" và "nhờn luật" để tình trạng ô nhiễm kéo dài mà không bị xử lý, gây hại cho cộng đồng.

Trước đó, phóng viên TTXVN đã có bài "Cần khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối ở Yên Lương, Phú Thọ". Đến nay việc gây ô nhiễm đã xác định rõ là do nhà máy giấy Thuận Phát gây ra.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng liên quan giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ nhưng xem ra chưa có biện pháp xử lý triệt để…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục