OCB được vinh danh "Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020"

10:17' - 26/11/2020
BNEWS Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia và Bộ Công Thương vinh danh là "Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020".

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch hội đồng Thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Năm 2020, có 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Như vậy, so với năm 2018, cả nước đã có thêm 27 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.

OCB là 1 trong 7 đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng được vinh danh trong năm nay.

OCB hiện nằm trong top 10 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam về mặt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng, dựa trên 10 chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động và kiểm soát rủi ro. Tốc độ tăng trưởng kép (CARG) của OCB từ năm 2016-2019 đạt trên 88%. Trong vòng 5 năm, quy mô ngân hàng tăng trưởng vượt bậc khi tổng tài sản tăng 140%, vốn điều lệ tăng 122%, vốn chủ sở hữu tăng 172%.

OCB nằm trong nhóm các ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tất toán toàn bộ trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào tháng 12/2018.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến thời điểm 31/10/2020, tổng tài sản của OCB đạt 130.807 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 16.316 tỷ đồng, tăng tới 49% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ở mức 3.024 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2019.

Vừa qua, OCB cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 10.959 tỷ đồng, tiến gần đến mục tiêu năm 2020 là hơn 11.275 tỷ đồng.

Đại diện OCB cho biết, việc được niêm yết chính thức trên sàn giao dịch chứng khoán là bước đi chủ đạo tiếp theo. OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), với số lượng niêm yết hơn 10.959 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là 10.959 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận và cho phép ngân hàng Aozora (AOZ - Nhật bản) mua cổ phần OCB để trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ. Đây là thương vụ huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thành công duy nhất trong năm 2020 thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục