ODA Nhật Bản: Những động thái tích cực
Nguồn vốn này còn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và tăng cường năng lực cho nhiều cơ quan Việt Nam… Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA của Nhật Bản cho đến thời điểm hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong suốt hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng vốn ODA cam kết của quốc tế cho Việt Nam.
Thời gian gần đây, ODA của Nhật Bản dành cho các nước bị giảm sút do kinh tế Nhật Bản phải đối phó với khó khăn kéo dài, nhưng Việt Nam vẫn là nước được ưu tiên nhận ODA của Nhật Bản với qui mô gia tăng hàng năm.
ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đã góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và tăng cường năng lực cho nhiều cơ quan Việt Nam; cải tạo và phát triển nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng trong các lĩnh vực điện, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Cầu Nhật Tân được xây dừng từ nguồn vốn ODA. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo sức bật cho tăng trưởng và giảm nghèo của Việt Nam như hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Đông Tây, các cầu trên Quốc lộ 1, các cầu đường sắt Bắc Nam, cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân; nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga hành khách T2 Nội Bài; cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép-Thị Vải; hệ thống thoát nước và hệ thống giao thông ở các thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện trung ương Huế...
Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang triển khai như: các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh... Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hiệu quả các dự án sử dụng ODA Nhật Bản và khẳng định ODA Nhật Bản đã góp phần tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược phát triển cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.Phóng viên: Thực tế là hiện nay một số dự án ODA Nhật Bản còn chậm trễ trong việc giải ngân. Vậy đâu là nguyên nhân và theo ông cần biện pháp nào khắc phục trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so cùng thời kỳ năm 2014. Tôi cho rằng các nguyên nhân chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý, các qui định, qui chuẩn chuyên ngành.
Không những thế, nhiều dự án còn vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời, vướng mắc do khác biệt về qui trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; vướng mắc do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời hoặc vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội.
Mặc dù vấn đề này đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 nhờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song tình hình giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm nay chỉ mới được cải thiện ở mức độ nhất định.Để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan quản lí nhà nước về ODA, các cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ tăng cường giám sát chặt chẽ các dự án thuộc danh sách chậm tiến độ, tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện.
Đồng thời, xác định và xử lí kịp thời các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.
Phóng viên: Trong thời gian qua, vốn vay ODA của Nhật Bản đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Việt Nam. Xin ông đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn này?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Với đặc trưng là các khoản vay lớn, vốn vay ODA của Nhật Bản trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội nước ta một cách bền vững.
Ngoài việc được sử dụng hiệu quả cho các công trình hạ tầng quy mô lớn lớn tại Việt Nam, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cũng được cung cấp theo hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước thông qua các khoản vay Chương trình tín dụng giảm nghèo (Nhật Bản đồng tài trợ, đã được thực hiện được 9 năm) và Khoản vay hỗ trợ khắc phục khủng hoảng tài chính và kích cầu kinh tế (đã được thực hiện trong tài khóa 2009), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC)…
Phóng viên: Vậy trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục dành nguồn ODA cho Việt Nam như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong những năm vừa qua, nguồn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trung bình khoảng 200 tỷ yen/năm (tương đương 2 tỷ USD), tập trung vào các lĩnh vực chính như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; cải thiện môi trường xã hội và xây dựng thể chế.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản tháng 7/2015 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã hứa sẽ xem xét khả năng dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA khoảng 300 tỷ yen (tương đương 3 tỷ USD) trong tài khóa 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016) để thực hiện các dự án mới cũng như các dự án đang triển khai cần bổ sung vốn trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và phát triển hạ tầng đô thị.
Đây là một động thái tích cực của Chính phủ Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền (Thực hiện)- Từ khóa :
- ODA
- Nhật Bản
- công trình hạ tầng lớn
- cầu Nhật Tân
- Nội bài
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững
21:21'
Chiều 8/7, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) đã đề xuất các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới.
-
Kinh tế Việt Nam
30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ: Nhiều điểm nhấn trong thương mại song phương
21:10'
Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở ra một chương mới, mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước, nhất là khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa đảm bảo tiến độ cầu vượt ngang
20:12'
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu mặc dù đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4/2025 nhưng cho đến nay vẫn còn 2 cầu vượt ngang chưa đảm bảo tiến độ.
-
Kinh tế Việt Nam
Tháo gỡ khó khăn hai dự án cao tốc qua Lạng Sơn
20:12'
Chiều 8/7, UBND tỉnh Lạng Sơn họp chuyên đề tháo gỡ vướng mắc hai dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).
-
Kinh tế Việt Nam
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Israel tăng gần 45%
19:03'
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Trung Đông, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel vẫn đạt 1,565 tỷ USD, tăng 44,64% so với cùng kỳ năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Quảng Trị thông xe một làn sau vụ sạt lở đất tại Quốc lộ 15D
19:00'
Ban Quản lý bảo trì giao thông (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị) đang phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thông xe một làn sau vụ sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 15D.
-
Kinh tế Việt Nam
Đợt đặc xá dịp 2/9 có ý nghĩa đặc biệt, diện đối tượng được xem xét mở rộng hơn
18:03'
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, với ý nghĩa đặc biệt của đợt đặc xá dịp 2/9 nên phạm vi, quy mô, điều kiện, diện đối tượng được xem xét đề nghị đặc xá được mở rộng hơn đợt 1 dịp 30/4.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại sứ Marc Knapper: Nhiều trụ cột hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
17:48'
Ngày 8/7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã gặp gỡ báo chí để thông tin về những cột mốc quan trọng và định hướng tương lai của mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Intel hợp tác đào nhân lực về AI
17:40'
Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Intel phối hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó tập trung vào cán bộ, công chức, những người đã và sắp đi làm của Thành phố.