OECD dự báo kinh tế Italy tăng 5,9% trong năm 2021

08:44' - 09/09/2021
BNEWS Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Italy sẽ tăng khoảng 5,9% trong năm 2021 và trở lại mức đã đạt được trong năm 2019 vào nửa đầu năm 2022.

Trong Khảo sát Kinh tế mới nhất về Italy, OECD cho biết nền kinh tế Italy đang phục hồi ổn định sau cuộc khủng hoảng COVID, nhờ chiến dịch tiêm chủng và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nếu đạt mức tăng trưởng 5,9% dự kiến cho năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy dự kiến sẽ tăng khoảng 4,1% vào năm 2022, sau mức giảm mạnh 8,9% ghi nhận được trong năm 2020.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng với Tổng thư ký OECD Mathias Cormann, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Daniele Franco cho biết mục tiêu của chính phủ là phải vượt qua tình trạng trì trệ kéo dài do đại dịch gây ra và "hướng tới mức tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 cao hơn so với mức trước cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này.

Ông Daniele Franco cho biết các dự báo kinh tế chính thức và ước tính về mục tiêu tài chính công của đất nước sẽ được xem xét và trình bày trong bản cập nhật Tài liệu Kinh tế và Tài chính (DEF), thường được công bố vào cuối tháng Chín.

Hồi tháng 4/2021, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy dự đoán GDP của nước này sẽ tăng 4,5% vào năm 2021, phù hợp với dự báo trước đó của OECD, tăng 4,8% vào năm 2022 và 2,6% vào năm 2023.

Người đứng đầu OECD cũng lưu ý Kế hoạch phục hồi và khôi phục đất nước do Chính phủ Italy cung cấp sẽ kích hoạt một nền kinh tế "tăng trưởng mạnh mẽ hơn, xanh hơn, công bằng hơn và số hóa hơn nhằm mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Trong khảo sát trên, OECD cho biết các chính sách hỗ trợ mạnh tay của Italy trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giúp hạn chế tình trạng mất việc làm, những khó khăn và duy trì sản xuất, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng phá sản.

Theo khảo sát này, sự hỗ trợ tài chính đáng kể trong năm 2021 sẽ thúc đẩy phục hồi trong ngắn hạn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh và các hạn chế được nới lỏng. Đầu tư công cao hơn cũng sẽ hỗ trợ đầu tư của khu vực tư nhân, cùng với niềm tin và nhu cầu cao hơn...

Tiêu dùng dự kiến sẽ tăng khi các hộ gia đình có thể tiêu dùng một phần tiền tiết kiệm và việc làm phục hồi.

OECD cũng khuyến nghị Italy không nên ngừng chính sách tài khóa hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp “cho đến khi quá trình phục hồi được tiến hành một cách chắc chắn”. Việc rút hỗ trợ thanh khoản quá sớm có thể khiến các công ty rơi vào tình trạng phá sản.

Điều đó cũng sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói, vốn đã cao trước đại dịch COVID-19, cũng như ảnh hưởng đặc biệt đến thanh niên và phụ nữ.

Sau khi dịch bệnh lắng xuống, OECD khuyến nghị Italy cải cách chi tiêu công và chính sách thuế, trong số các lĩnh vực khác. Các chi phí liên quan đến tuổi già đã lấn át việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, khiến những người trẻ tuổi, mà nhiều người trong số đó không có việc làm và rơi vào đói nghèo.

Italy cũng được khuyến khích giảm bớt sự phức tạp của hệ thống thuế và giảm bớt thuế cá nhân. Trong số các khuyến nghị khác, OECD đề nghị Italy tăng cường đầu tư, giảm thiểu các rào cản quy định để tham gia vào các dịch vụ chuyên nghiệp, cũng như đưa ra kế hoạch dài hạn về giá carbon và các chính sách hỗ trợ để giảm chi phí chuyển đổi năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục