OECD hối thúc Pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp

07:25' - 10/07/2016
BNEWS Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã kêu gọi Pháp tiến hành những cải cách sâu rộng nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ở mức xấp xỉ 10% của nước này.
OECD hối thúc Pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp. Ảnh: reuters

Trong ấn phẩm có tên "Triển vọng việc làm" vừa công bố, OECD đã nhấn mạnh sự chậm trễ của Pháp trong việc tiến hành các cải cách đối với thị trường lao động.

Báo cáo nêu rõ "Pháp đang tụt hậu" trước xu hướng phục hồi trong các nước OECD, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp luôn cao hơn trung bình các nước OECD.

Khoảng cách này đã gia tăng đáng kể trong bảy năm qua, từ mức chênh lệch 0,3% vào năm 2009 dự kiến sẽ tăng lên 3,6% vào cuối năm 2017.

OECD cũng nhấn mạnh những điểm yếu mang tính cấu trúc của thị trường lao động Pháp như tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cao, 90% người ký hợp đồng mới là hợp đồng ngắn hạn, lớp trẻ không được đào tạo đầy đủ và dễ bị tổn thương.

Cụ thể, cứ 6 người trong độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi thì có một người thất nghiệp. Công việc tạm thời chiếm tỷ lệ cao cũng cho thấy sự suy thoái của thị trường việc làm của Pháp.

Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ làm công việc tạm thời giảm ở tất cả các nước OECD xuống mức trung bình 12% dân số trong độ tuổi lao động, thì tỷ lệ này tại Pháp lại tăng lên 17%.

Trước tình hình này, OECD đã khuyến cáo Pháp tiến hành các cải cách mạnh mẽ. Theo Giám đốc Bộ phận việc làm thuộc OECD Stefano Scarpetta, trước mắt, Chính phủ Pháp nên giải thích cho công luận hiểu rõ các điều khoản liên quan đến việc sa thải về lý do kinh tế, bồi thường khi bị sa thải đồng thời thúc đẩy đối thoại xã hội trong doanh nghiệp.

Đây là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Pháp thời gian qua. OECD cũng kêu gọi Pháp điều chỉnh luật pháp liên quan đến bảo vệ công ăn việc làm. Cải cách này sẽ giúp Pháp mở cửa thị trường lao động và có thể làm tăng năng suất và tiền lương ít nhất là 1% trong dài hạn.

Về tình hình các nước thành viên OECD, báo cáo "Triển vọng việc làm" cho biết sau khủng hoảng, sự phục hồi từng bước đã giúp các nước OECD tạo ra nhiều việc làm hơn, tuy nhiên tiền lương vẫn chưa có sự cải thiện.

Tăng trưởng dần phục hồi từ 2010, tuy nhiên, mức tăng vẫn còn quá thấp để có thể có tác động đáng kể tới thị trường việc làm. Ước tính, phải mất hơn một thập kỷ mới có thể lấy lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng.

Trong quý I/2016, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong các nước OECD là 6,4%. Tỷ lệ này là 6,1% ngay trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng 2008. Dự kiến đến cuối năm 2017, OECD sẽ có 39 triệu người thất nghiệp, nhiều hơn 6,3 triệu so với trước khủng hoảng.

Ngoài ra, có sự chênh lệch đáng kể giữa các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) về tỷ lệ thất nghiệp trung bình. Một số nước có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 10%, đặc biệt là tại Nam Âu như Hy Lạp và Tây Ban Nha.

OECD tập hợp 34 nước phát triển nhất thế giới với mục đích tăng cường hợp tác kinh tế, phối hợp chính sách giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế thế giới và phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục