OECD kêu gọi Italy cải cách thuế và chi tiêu công

08:01' - 23/01/2024
BNEWS Theo OECD, việc củng cố tài chính ổn định trong dài hạn nên là ưu tiên hàng đầu của chính sách tài khóa của Italy nhằm giảm nợ công một cách lâu dài, bắt đầu từ năm 2025.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 22/1 đã kêu gọi Italy đưa ra những cải cách về thuế và chi tiêu công, đồng thời cho rằng tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ tăng lên nếu không có thay đổi chính sách.

Trong Khảo sát kinh tế mới nhất về Italy, OECD viết: “Nợ công của Italy ở mức tương đương khoảng 140% GDP và cao thứ ba trong OECD. Chi tiêu công cho các chi phí an sinh liên quan đến già hóa dân số và trả nợ dự kiến sẽ tăng lên mức tương đương khoảng 4,5% GDP trong khoảng thời gian từ năm 2023-2040. Italy cần cải cách thuế và chi tiêu để giúp đảm bảo nợ của nước này bền vững hơn”.

 
Theo OECD, việc củng cố tài chính ổn định trong dài hạn nên là ưu tiên hàng đầu của chính sách tài khóa của Italy nhằm giảm nợ công một cách lâu dài, bắt đầu từ năm 2025. Italy cần phải kiềm chế tăng trưởng chi tiêu, nhưng đồng thời cần bảo vệ đầu tư công để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

OECD cũng kêu gọi Italy cải cách hệ thống lương hưu, khiến hệ thống này trở nên ít hào phóng hơn đối với những người có thu nhập cao. Ngoài ra, OECD khuyến nghị Italy chuyển từ áp thuế lao động sang áp thuế tài sản và tiêu dùng, nói rằng điều này sẽ bảo vệ nguồn thu thuế, đồng thời làm cho hệ thống thuế thân thiện với tăng trưởng hơn.

Theo OECD, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni nên áp dụng lại thuế đối với nơi cư trú đầu tiên của các hộ gia đình và tăng thuế thừa kế, vì mức thuế này tại Italy là thấp nhất trong OECD. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "kiên quyết chống lại hành vi trốn thuế".

Cùng ngày, số liệu chính thức của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỷ lệ nợ/GDP của Italy là 140,6% vào cuối quý III/2023, giảm từ mức 142,5% GDP trong quý II/2023. Tỷ lệ nợ/GDP của Italy vẫn cao thứ hai trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ xếp sau Hy Lạp (165,5%) và cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là 89,9%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục