"Ông hoàng" video ngắn và những mối so kè đáng gờm

10:12' - 04/06/2022
BNEWS "Ông hoàng" video ngắn Tiktok đã tạo nên một công thức thành công vô cùng ấn tượng, kéo theo đó là sự xuất hiện của không ít đối thủ đáng gờm.

Tiktok, ứng dụng video dạng ngắn thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên thế giới, được dự báo sẽ vượt qua doanh thu của Twitter và Snapchat cộng lại vào năm 2022. Thậm chí, nền tảng chia sẻ video này cũng được dự báo sẽ bắt kịp YouTube vào năm 2024.

Tiktok đã tạo nên một công thức thành công vô cùng ấn tượng, kéo theo đó là sự xuất hiện của không ít đối thủ đáng gờm. Mới đây nhất, đã xuất hiện một đối thủ "đồng hương" được cho là sẽ có khả năng soán ngôi của "ông hoàng" video ngắn Tiktok.

* Người "đồng hương" trỗi dậy

Theo số liệu của iiMedia Research, nền tảng Channels - một ứng dụng quay video ngắn của Wechat thuộc Tencent (Trung Quốc) - đã tăng trưởng chóng mặt trong 6 tháng qua. 

Với lợi thế tệp khách hàng hơn 1,29 tỷ người dùng của Wechat, kênh Channels được tiếp cận vô số người dùng nhờ các thuật toán. Chưa kể, Tencent còn định hướng sử dụng âm nhạc và các ngôi sao nổi tiếng để thu hút sự chú ý giành lấy thị phần cho Channels.

Nếu như Tiktok Trung Quốc, hay còn gọi là Douyin, của ByteDance mời ca sĩ nổi tiếng người Singapore Stefanie Sun phát sóng trực tiếp (livestream) và thu hút hơn 200 triệu lượt xem, thì Channels của Tencent cùng thời điểm cũng thu được về 42 triệu lượt xem với ca sĩ Lo Ta Yu của Đài Loan (Trung Quốc).

Trước đó, Tencent cũng đã mời ca sĩ Jay Chou livestream hoặc cho phát sóng lại những buổi biểu diễn nổi tiếng như chương trình âm nhạc của Leslie Cheung năm 2000, buổi biểu diễn âm nhạc của Westlife, qua đó thu về hàng chục triệu lượt xem.

Chưa hết, trong bối cảnh nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vẫn đang được áp dụng nghiêm ngặt tại Trung Quốc, việc Tencent tăng mạnh các chương trình giải trí đã thu về thành công bước đầu với sự góp mặt của những gương mặt nổi tiếng thập niên 1990-2000 nhắm đến đối tượng khách hàng là những người "có tuổi" hơn so với tệp khách hàng trẻ của Tiktok.

Tencent còn xây dựng chức năng mới cho phép những người dùng Wechat thấy được những bài đăng video mà họ đã thích hoặc người khác thích, qua đó gián tiếp quảng cáo, hỗ trợ cho Channels.

Nếu so về số lượng, Channels vẫn đang ở thế yếu hơn Tiktok nhưng CEO Zhang Yi của iiMedia Research nhận định nền tảng video ngắn của Tencent đang tăng trưởng khá nhanh khi dùng các buổi phát sóng âm nhạc trực tiếp và người nổi tiếng làm nội dung thu hút khán giả.

* Lắm mối so kè

Theo số liệu từ Businessofapps.com, Tiktok Trung Quốc (Douyin) hiện có hơn 600 triệu người dùng mỗi ngày và được đánh giá là có hệ thống thuật toán khá mạnh để giữ chân người xem. Trong khi đó Kuaishou, một nền tảng video trực tuyến do Tencent hậu thuẫn, cũng đang có trên 300 triệu người dùng/ngày.

Kuaishou, có nghĩa là “nhanh tay” trong tiếng Trung Quốc, ứng dụng cho phép người dùng tải lên video cũng như các chương trình phát trực tiếp qua đó các nhà cung cấp có thể quảng cáo sản phẩm của mình.

Kuaishou và Tiktok luôn chứng minh sức cạnh tranh khốc liệt trên khắp các thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, tổng người dùng hàng tháng trên tất cả các ứng dụng của Kuaishou và Douyin lần lượt là 1 tỷ và 1,9 tỷ.

Bên cạnh đó, Kuaishou còn sở hữu các ứng dụng video ngắn khác như Kwai, SnackVideo và Zynn. Với cách thức hoạt động tương tự như TikTok, những ứng dụng này đã giúp Kuaishou tạo ra doanh thu nhờ sự kết hợp giữa quảng cáo và thương mại điện tử.

Trước đó, Zynn - một bản sao của TikTok - đã từng "làm mưa làm gió" hồi đầu năm 2020 với cơ chế hoạt động khá đặc biệt, đó là trả tiền cho người dùng. 

Zynn là phiên bản quốc tế của Kuaishou, được phát hành bởi công ty Trung Quốc có tên Owlii. Sau khi xuất hiện trên chợ ứng dụng Android và iOS đầu tháng 5/2020, Zynn nhanh chóng vươn lên đứng đầu danh sách ứng dụng giải trí và thứ 2 trong số tất cả ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store Mỹ, tính đến cuối tháng đó.

Cách xem nội dung trên Zynn cơ bản khá giống Tiktok, ngay cả vị trí đặt nút thích, bình luận của Zynn cũng tương tự Tiktok. Nhưng điều làm nên khác biệt của Zynn chính là tính năng tặng tiền mặt cho người dùng. Chỉ cần xem video hoặc mời ít nhất 5 người sử dụng, bạn sẽ được tặng điểm để quy đổi ra tiền mặt hoặc phiếu quà tặng.

Bên cạnh những người "đồng hương", Tiktok còn phải cạnh tranh với "anh cả" Facebook - Meta. Mark Zuckerberg đã khẳng định một phần chính trong chiến lược cạnh tranh với Tiktok là Reels, định dạng video ngắn được ra mắt trên Instagram và Facebook hồi tháng 8/2020.

Reels cạnh tranh với Tiktok thông qua việc chi tiền cho những người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung, tương tự như Youtube. 

Theo một nhà sáng tạo nội dung, nếu như trên Tiktok anh chỉ nhận được vài xu cho mỗi nghìn lượt xem thì trên Reels, số tiền nhận được khoảng 60 xu cho mỗi nghìn lượt xem. Dù vậy, với Youtube, anh kiếm được tới 2 USD cho mỗi nghìn lượt xem.

Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến giới sáng tạo nội dung dường như chưa mấy mặn mà với Reels. Mặt khác, người này cho rằng Tiktok tuy thu nhập chưa hấp dẫn nhưng lại có những "chất" riêng, kích thích sáng tạo.

Thực tế đã chứng minh điều này khi chỉ mất 4 năm trên thị trường, TikTok đã đạt mốc 1 tỷ người dùng vào năm 2021, bằng một nửa thời gian so với Facebook, YouTube và Instagram. Dự báo nền tảng này sẽ đạt 1,5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trong năm nay.

Thậm chí tại Mỹ, TikTok đã thay thế Snapchat trở thành ứng dụng truyền thông xã hội yêu thích của thanh thiếu niên nước này. Khảo sát trên nền tảng Piper Sandler cho thấy 33% người được hỏi lựa chọn TikTok là ứng dụng mạng xã hội yêu thích của họ, vượt qua Snapchat với 31% và bỏ lại phía sau Facebook và Twitter.

TikTok ngày càng trở nên "gây nghiện" khi số giờ trung bình dành cho ứng dụng này của người dùng là 19,6 giờ/tháng, gần gấp 5 lần mốc 4,2 giờ hồi năm 2018, theo số liệu của Data.ai./.

>>>Kỷ nguyên mới cho đế chế Zara

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục