PAPI 2020: Quảng Ninh đứng đầu cả nước, Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất
Ngày 14/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020. Buổi Lễ được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hai đợt dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp ở các tỉnh miền Trung, chương trình nghiên cứu PAPI đã lấy được ý kiến của 14.372 người dân trên cả nước, nhiều nhất kể từ năm 2011 (khi nghiên cứu PAPI được thực hiện trên phạm vi toàn quốc) tới nay, nâng tổng số người dân được PAPI phỏng vấn trong 12 năm qua lên tới 146.233 lượt người. Chỉ số PAPI cải thiện tăng đều theo từng năm Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.Để xếp hạng, PAPI 2020 đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Phát biểu tại Lễ công bố, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công.
Báo cáo PAPI 2020 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ 2016-2020. Từ năm 2016 trở đi, chỉ số PAPI được cải thiện tăng đều theo từng năm. Trong đó, năm 2020, chỉ số PAPI đã đạt điểm số cao nhất (37,8 điểm) kể từ khi chương trình nghiên cứu này bắt đầu khảo sát vào năm 2011. Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% trong 10 năm qua. Đặc biệt 4 tỉnh: Bắc Ninh, Trà Vinh, Quảng Ninh và Cao Bằng có tỷ lệ tăng trưởng chỉ số PAPI gốc thường niên đạt trên 2,5%. Theo Tiến sỹ Paul Schuler, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, trong số 6 chỉ số lĩnh vực nội dung khảo sát, có hai chỉ số đóng vai trò quan trọng góp phần lớn cải thiện điểm số PAPI trong hai năm 2019, 2020, đó là chỉ số hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và chỉ số thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân. Báo cáo PAPI 2020 nhấn mạnh những nỗ lực trên có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Kết quả phân tích của báo cáo cho thấy, hiệu quả huy động người dân tham gia vào quản trị công ở địa phương cứ tăng lên một điểm thì mức độ sẵn sàng tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội nhằm ứng phó với dịch COVID-19 hồi tháng 4/2020 tăng lên 3,1 điểm phần trăm; hiệu quả kiểm soát tham nhũng cứ tăng lên một điểm phần trăm, mức độ tuân thủ với biện pháp mạnh này tăng lên 1,5 điểm phần trăm. Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie ghi nhận: “Báo cáo PAPI 2020 cho thấy có mối tương quan tích cực giữa quản trị tốt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch. Nói cách khác, quản trị tốt rất quan trọng. Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác”. Những vấn đề quan ngại lớn của người dân trong năm 2020 Mặc dù năm 2020, Việt Nam thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19, những phát hiện nghiên cứu trong báo cáo PAPI 2020 cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới người dân. Mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỷ lệ người trả lời cho rằng, đây là vấn đề cần Nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỷ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, tỷ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020.Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể là do tác động của đại dịch COVID-19. Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Lần đầu tiên sau 10 năm, tỷ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Đánh giá về những vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020 cũng có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Phụ nữ quan ngại hơn với những vấn đề như giảm nghèo, y tế và giáo dục. Nam giới quan ngại hơn về các vấn đề tăng trưởng kinh tế, an ninh, tranh chấp Biển Đông và tham nhũng.Quan tâm hơn với nhóm người nhập cư, tạm trú
Lần đầu tiên nghiên cứu PAPI thực hiện khảo sát và trình bày phát hiện nghiên cứu thí điểm đối với nhóm mẫu là người dân có hộ khẩu tạm trú dài hạn và ngắn hạn tại sáu tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc. Kết quả phân tích cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về các điều kiện nhân khẩu học giữa người nhập cư và người có hộ khẩu thường trú. Những người nhập cư có xu hướng nghèo hơn, có trình độ học vấn thấp hơn hơn, với số nữ nhiều hơn nam, và ít tương tác với cán bộ, công chức ở tỉnh, thành phố tiếp nhận hơn so với người thường trú.Người nhập cư không có đủ điều kiện cần và đủ để vận động chính sách nhằm đảm bảo tính công bằng trong tương tác với chính quyền địa phương nơi tiếp nhận. Trên thực tế, điểm PAPI trung bình do nhóm người nhập cư đánh giá thấp hơn đáng kể so với điểm do người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có điểm PAPI thấp nhất.
Người nhập cư không có điều kiện tiếp cận các kênh tham gia và yêu cầu trách nhiệm giải trình cũng như các cơ chế khiếu nại tại địa phương nơi họ tạm trú. Song, điều đáng chú ý, người có hộ khẩu tạm trú có ít khả năng tiếp cận thông tin hơn và dễ phải đương đầu với sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức biến chất hơn, bởi những cán bộ, công chức này biết rõ rằng người nhập cư rơi vào thế yếu hơn để đòi hỏi quyền lợi và tự bảo vệ mình trước những hành vi sai trái đó.Báo cáo khuyến nghị các tỉnh, thành phố tiếp nhận người di cư cần phải nỗ lực gấp đôi để giải quyết thỏa đáng nhu cầu và mong đợi của cả người có hộ khẩu thường trú và hộ khẩu tạm trú.
Quảng Ninh đứng đầu cả nước, Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất Chỉ số tổng hợp PAPI 2020 cấp tỉnh cho thấy, Quảng Ninh đã vượt 2 bậc để vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng với tổng số điểm 48,811 điểm. Đáng chú ý, Quảng Ninh dẫn dầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch (6,5 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,29 điểm); Cung ứng dịch vụ công (7,71 điểm). Đứng vị trí số 2 là tỉnh Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Tỉnh này dẫn đầu cả nước ở tiêu chí Quản trị môi trường với số điểm 5,2 điểm. Đứng thứ 3 năm nay thuộc về Thái Nguyên với 46,471 điểm và là địa phương dẫn đầu cả nước trong tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,22 điểm). Ngoài ra, so với năm 2019, Thái Nguyên cải thiện điểm số 6/8 tiêu chí đánh giá. Chỉ số tổng hợp PAPI 2020 ghi nhận 16 tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất, phần lớn tập trung ở khu vực phía Bắc và miền Trung, rất ít ở phía Nam. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ đô Hà Nội, mặc dù cải thiện ở bốn chỉ số nội dung qua hai năm 2019 và 2020, nhưng vẫn nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất với 41,63 điểm, do có nội dung chỉ đạt ở nhóm điểm thấp nhất là Quản trị môi trường (2,96 điểm) và Thủ tục hành chính công (7,17 điểm)./.>>Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Tin liên quan
-
Công nghệ
Ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chỉ số PAPI tại Tp Hồ Chí Minh
14:54' - 29/07/2020
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Ngô Minh Châu cho rằng, chỉ có sử dụng công nghệ mới đẩy nhanh công việc, giảm tham nhũng và nâng cao sự hài lòng của nhân dân.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội: Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI trên 8 lĩnh vực
22:08' - 16/06/2020
Liên tiếp trong 3 năm qua (2017-2019), thành phố Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số cải cách thủ tục hành chính.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Họp báo Chính phủ thường kỳ: Không để xảy ra thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm sau Tết
21:15'
Các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách tiền lương, bình quân tiền lương của người lao động năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023.
-
Kinh tế Việt Nam
Hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Việt Nam phát triển mạnh mẽ
19:21'
Trong tương lai, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chung tay khai thác tiềm năng hợp tác.
-
Kinh tế Việt Nam
Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị bổ sung quy định về số lượng cấp phó khi sắp xếp tổ chức bộ máy
19:17'
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển khai đồng bộ giải pháp ổn định thị trường ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng
18:30'
Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ.
-
Kinh tế Việt Nam
Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tăng 3,09% so với cùng kỳ
18:29'
Ngày 5/2, Cục Thống kê Hà Nội công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2025 của Thủ đô tăng 0,51% so với tháng trước.
-
Kinh tế Việt Nam
Họp báo Chính phủ thường kỳ: Sẽ đảm bảo nguồn tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng GDP
17:46'
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bám sát các mục tiêu đề ra.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại
17:38'
Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh, rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân
-
Kinh tế Việt Nam
Họp báo Chính phủ thường kỳ: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
17:34'
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên sẽ tạo nền tảng bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên đạt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm ở mức hai con số.
-
Kinh tế Việt Nam
Tiếp tục duy trì tuyến bay Điện Biên - Tp. Hồ Chí Minh
17:04'
Đây là tuyến bay quan trọng, góp phần thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.