PBoC cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn

10:35' - 25/09/2024
BNEWS Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 25/9 đã hạ lãi suất các khoản vay trung hạn cho các ngân hàng thương mại.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu.

PBoC cho biết đã giảm lãi suất từ 2,3% xuống 2% đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trị giá 300 tỷ NDT (42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính. Trong một thông báo trực tuyến, PBoC cho biết tổng dư nợ các khoản vay MLF hiện là 6.878 tỷ NDT. Trong tháng này đã có một số khoản vay với tổng trị giá 591 tỷ NDT đáo hạn.

 

Trước đó, ngày 24/9, PBoC đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát và hướng đến mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra. Cụ thể, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết ngân hàng này sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường.

Theo Thống đốc PBoC, động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ NDT (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính. Quan chức này cho biết Trung Quốc cũng sẽ hạ lãi suất các khoản vay thế chấp hiện có và thống nhất tỷ lệ trả trước cho các khoản vay thế chấp. Tùy thuộc vào tình hình thanh khoản thị trường vào cuối năm nay, RRR có thể được giảm thêm 0,25-0,5 điểm phần trăm.

Gói hỗ trợ thị trường bất động sản vừa được PBoC đưa ra bao gồm việc giảm trung bình 0,5 điểm phần trăm lãi suất của các khoản cho vay thế chấp hiện tại, và hạ yêu cầu trả trước tối thiểu xuống còn 15% cho tất cả các loại nhà khi mua, cùng với một số biện pháp khác.

Phát biểu tại một buổi họp báo ngày 25/9, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Albert Park cho biết những biện pháp nói trên của Chính phủ Trung Quốc có đem lại hiệu quả hay không cần có thời gian vì nhiều vấn đề cơ cấu vẫn tồn tại dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản nước này.

Theo ông, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cần nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa, với chính sách chủ động hơn, để làm dịu những lo ngại của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Ông Park cũng cho biết ADB không quá lo ngại về tình trạng giảm phát ở Trung Quốc, vì ngân hàng này nhận thấy rằng giá cả đang phục hồi.

Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Trung Quốc ở mức 4,8%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% mà chính phủ nước này đặt ra. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 cũng được duy trì ở mức 4,5%.

Giải thích cho quyết định này, ông Park cho biết ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc bất chấp sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản vì cho rằng việc chính phủ nước này nới lỏng tài khóa và tiền tệ hơn nữa sẽ hỗ trợ nền kinh tế.

Đây là diễn biến tích cực đối với Trung Quốc, khi trước đó, nhiều ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs, Nomura, UBS và Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục