ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang phát triển

09:12' - 25/09/2024
BNEWS Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB đã giữ nguyên hầu hết các dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế trong khu vực so với báo cáo tháng Bảy.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 dự báo khu vực châu Á đang phát triển có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay, nhờ hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ và nhu cầu cao đối với các mặt hàng công nghệ xuất khẩu. ADB cũng dự đoán Trung Quốc sẽ công bố thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế.

 

Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB đã giữ nguyên hầu hết các dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế trong khu vực so với báo cáo tháng Bảy. Ngân hàng này cũng giữ dự báo tăng trưởng đối với khu vực châu Á đang phát triển ở mức 5% trong năm nay và 4,9% trong năm sau.

Bên cạnh đó, ADB đã hạ dự báo lạm phát cho khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm 46 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuống còn 2,8% trong năm nay và 2,9% trong năm 2025, từ các mức dự báo tương ứng trước đó là 2,9% và 3,0%.

Ngân hàng có trụ sở tại Manila này cũng nhấn mạnh một số nguy cơ đối với dự báo tăng trưởng nói trên, trong đó có chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang, các điều kiện thời tiết tiêu cực và sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với áp lực từ tình trạng giảm phát và đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, dù đã có một loạt các biện pháp chính sách nhằm kích thích hoạt động chi tiêu trong nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 24/9 đã công bố các biện pháp kích thích tiền tệ lớn và hỗ trợ thị trường bất động sản, trong bối cảnh giới chức nước này đang tìm cách khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Albert Park cho biết những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc có đem lại hiệu quả hay không cần có thời gian vì nhiều vấn đề cơ cấu vẫn tồn tại dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản nước này.

Theo ông, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cần nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa, với chính sách chủ động hơn, để làm dịu những lo ngại của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Ông Park cũng cho biết ADB không quá lo ngại về tình trạng giảm phát ở Trung Quốc, vì ngân hàng này nhận thấy rằng giá cả đang phục hồi.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ của mình với một đợt giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, với động thái trên của Fed, các ngân hàng trung ương sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách, và ADB dự đoán nhiều ngân hàng trung ương sẽ đi theo xu hướng này.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Trung Quốc ở mức 4,8%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% mà chính phủ nước này đặt ra. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 cũng được duy trì ở mức 4,5%.

Giải thích cho quyết định này, ông Park cho biết ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc bất chấp sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản vì cho rằng việc chính phủ nước này nới lỏng tài khóa và tiền tệ hơn nữa sẽ hỗ trợ nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục