PETA tiếp tục tấn công ngành sữa Ấn Độ vì hành vi đối xử với bò

20:55' - 23/07/2021
BNEWS Tại quốc gia nơi quyền động vật là một vấn đề nóng hổi, ngành công nghiệp sữa đang đối mặt với nhiều chỉ trích.

Một doanh nghiệp có tiếng tăm như Amul thường ít khi phải lo lắng về những nhà hoạt động quyền động vật ở quốc gia của họ.

Với vị thế là hợp tác xã chăn nuôi bò lớn nhất quốc gia đi đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sữa, Amul có doanh thu lên tới 7 tỷ USD trong năm ngoái, và “cô bé bán bơ Amul”, với đôi má hồng hào và chiếc váy chấm bi, là một trong những linh vật của doanh nghiệp nổi bật nhất từ Ấn Độ.

Đáng lẽ như vậy là đủ để công ty này bỏ qua sự chỉ trích từ Văn phòng chi nhánh nhân dân về đối xử có đạo đức với động vật, một nhóm hoạt động đang thuyết phục công ty này chuyển sang sử dụng nguyên liệu thay thế nguồn gốc thực vật.

Thế nhưng Amul lại đang phải đối đầu với vấn đề này. PETA có thể chỉ là một nhóm với vai trò chỉ đủ đứng ở rìa xã hội tại các quốc gia khác trên thế giới, nhưng vấn đề về quyền động vật là một chủ đề thường được nhắc đến bởi những người ủng hộ cánh hữu của thủ tướng Narendra Modi, vốn được biết đến là một người ăn chay, có quê quán ở Gujarat, nơi Amul đặt trụ sở chính.

 Đảng cầm quyền Bharatiya Janata của ông đã sử dụng bảo vệ quyền gia súc làm bàn đạp để chiếm được cảm tình của những cử tri theo đạo Hindu.

Bò là loài động vật linh thiêng trong đạo Hindu, và người theo đạo Hindu tại Ấn Độ, mặc dù không phản đối việc sử dụng sản phẩm từ sữa, đều phản đối việc giết mổ bò và bê đực.

Những bộ luật về giết mổ gia súc đã được thắt chặt dưới quyền của ông Modi. Theo một báo cáo theo dõi nhân quyền, từ 2014, nhiều bang dưới quyền đảng của ông đã thông qua những điều luật mới, trong đó có một số điều luật truất quyền được bảo lãnh đối với người vi phạm, và điều này thúc đẩy những “nhóm dân phòng bạo lực” tấn công những công dân bị nghi ngờ đã hãm hại bò.

Với việc chỉ trích sự ngược đãi gia súc, PETA đang thu hút những người theo đạo Hindu. Vào tháng 5, nhóm này tung ra một cuộc vận động công kích khẳng định rằng ngành cung cấp sữa cũng cung cấp cả thịt bò và những con bò bị “cưỡng hại” trong quá trình thụ tinh nhân tạo.

Ngành công nghiệp sữa của quốc gia này “tìm kiếm lợi nhuận kể cả khi họ phải chà đạp lên quyền động vật, sức khỏe cộng đồng và hậu quả về môi trường”, theo Kiran Ahuja, điều phối viên tiếp cận cộng đồng ăn chay của PETA Ấn Độ.

Amul đang đáp trả bằng cách đặt ra những vấn đề nhạy cảm từ phía họ. Vào tháng 6, công ty này yêu cầu ông Modi ra lệnh cấm hoạt động đối với PETA, với khẳng định nhóm này hoạt động vì lợi ích của những công ty ngoại quốc, đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người Ấn Độ.

Amul cũng yêu cầu các cơ quan quản lý ngăn việc sử dụng từ “sữa” để chỉ những sản phẩm không có nguồn gốc từ sữa, với khẳng định rằng những phong trào hoạt động của PETA là âm mưu chống phá nông dân Ấn Độ bởi những thế lực ngoại quốc.

Ông R.S.Sodhi, giám đốc điều hành của Liên đoàn tiếp thị sữa Gujarat, công ty mẹ của Amul, khẳng định: “Đó đơn giản là chiêu trò tuyên truyền, và họ nhận được rất nhiều hậu thuẫn tài chính từ những thế lực ngoại quốc. Họ muốn dòng tiền chảy về những công ty đa quốc gia của Mỹ, lâu nay đã sản xuất sản phẩm đậu nành và yến mạch biến đổi gien”.

Tuy những hãng nước ngoài như Oatly Group AB chưa tấn công mạnh vào thị trường Ấn Độ (mặc dù sản phẩm của họ được bán tại những Starbucks tại quốc gia này), Amul đang yêu cầu sự bảo trợ của chính phủ đối với họ.

Hợp tác xã này tự khẳng định bản thân là anh hùng của 80 triệu hộ gia đình nông thôn, phần lớn là nông dân không sở hữu đất và chỉ sở hữu dưới 50 đơn vị gia súc.

Ông Manoj Kumar Behera, một nông dân 35 tuổi sở hữu 37 gia súc tại nông trại phía đông Odisha cho biết: “Chúng tôi không biết phải làm gì nếu như phải ngừng chăn nuôi bò sữa. Những hành động này là sự tấn công vào kế sinh nhai của chúng tôi.”

Thu nhập bình quân của Ấn Độ tăng cao cũng kéo theo nhu cầu đối với sữa, phô mai và những sản phẩm từ sữa khác, khiến cho giá trị của ngành công nghiệp này chạm mốc 150 tỷ USD. Sản phẩm sữa thay thế từ đậu nành, hạt hay yến mạch đang dần thông dụng tại những nước phát triển, nhưng đối với Ấn Độ, những sản phẩm này quá đắt đỏ và khan hiếm.

Bevry, một công ty startup tại Gurugram thành lập năm 2019 bởi 3 người Ấn Độ trẻ tuổi, bắt đầu bán một loại sữa yến mạch sản xuất tại nội địa vào năm ngoái, với khẳng định rằng sản phẩm này ngậy hơn Oatly để đi theo thị hiếu của Ấn Độ.

Công ty này bán hàng trực tuyến tại 60 địa điểm tại New Delhi, Mumbai, Chennai, nhưng Bevry đã gặp trở ngại trong việc mở rộng và phải đóng cửa nhiều cửa hàng khi đối mặt với lệnh phong tỏa do COVID-19.

“Văn hóa ăn chay tại Ấn Độ đã tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng khái niệm thuần chay thì vẫn còn khá mới” theo Pradeep Sakuar, 21 tuổi, đồng sáng lập của Bevry.

Nhiều người ủng hộ ông Modi đồng cảm với hoạt động của PETA, nhưng bản thân ông có lẽ sẽ tránh trực tiếp đứng về phía nhóm này.

Bà Arati Jerath, một nhà phân tích chính trị tại New Delhi tin rằng một số tổ chức đứng về phía đảng của ông sẽ tận dụng sự công kích vào hành động ngược đãi động vật của ngành công nghiệp sữa.

Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ đặt ông Modi vào thế khó, vì sau khi bị chỉ trích vì chính sách về COVID-19 không hiệu quả, ông lại phải giảng hòa những bộ phận xung đột trong nhóm những người ủng hộ ông.

“Một phe là đoàn thể bảo vệ quyền của gia súc, cũng là nguồn phiếu những người theo đạo Hindu, phe còn lại là hợp tác xã Gujarat, cũng là một nguồn phiếu chính của ông Modi. Vấn đề này vô cùng nhạy cảm”.

Modi cũng phải cảnh giác sau khi hàng chục ngàn nông dân đã đồng loạt biểu tình phản đối kế hoạch cải cách nông nghiệp của ông tại New Delhi vào cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều công ty sản xuất sữa đang gặp khó khăn với nhu cầu sản phẩm sữa tụt dốc sau đợt bùng nổ ca lây nhiễm COVID-19 vào mùa xuân vừa rồi.

Chính quyền của ông Modi không muốn nhúng tay quá sâu vào “cuộc cãi cọ” này, theo R. Ramakumar, một giáo sư đầu ngành phát triển nông thôn tại học viện khoa học xã hội Tata, ông cũng thêm rằng Amul đã khẳng định lập trường mạnh mẽ khi nêu lên quan điểm về kinh tế. “Những nhóm này hoàn toàn không thể đối đầu với Amul”.

Tuy nhiên, PETA cũng có vẻ sẽ không bỏ cuộc trong quá trình đấu tranh để thay đổi chế độ ăn uống ngày càng nhiều sản phẩm sữa của Ấn Độ.

Bà Ahuja khẳng định Amul cần phải “nhận ra họ phải thuận theo chiều gió và chuyển sang sử dụng sản phẩm sữa có nguồn gốc thực vật. Tất cả những doanh nghiệp thông minh đều đã làm vậy ở nước ngoài.”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục