Pfizer, BioNTech và Moderna thu lợi nhuận khổng lồ nhờ vaccine COVID-19

16:25' - 16/11/2021
BNEWS Theo kết quả phân tích mới công bố, cứ mỗi phút, các hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna lại thu về khoản lợi nhuận lên tới 65.000 USD từ các sản phẩm vaccine ngừa COVID-19.

Thông qua việc phân tích báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp, Liên minh Vaccine của nhân dân (PVA) nhận định các công ty trên đã bán phần lớn số vaccine họ sản xuất cho các nước giàu, khiến các quốc gia thu nhập thấp khó tiếp cận sản phẩm.

PVA là một chiến dịch kêu gọi việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng.

PVA ước tính ba doanh nghiệp trên đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế lên tới 34 tỷ USD trong năm nay, tương đương với hơn 1.000 USD/giây, 65.000 USD/phút, hay 93,5 triệu USD/ngày.

Đại diện của Liên minh châu Phi (AU) và PVA Maaza Seyoum nhận định các công ty sản xuất vaccine đang lợi dụng thế độc quyền để ưu tiên các hợp đồng mang lại lợi nhuận với chính phủ các nước giàu, khiến các quốc gia thu nhập thấp bị chậm trễ trong chiến dịch tiêm phòng.

Theo PVA, các hãng Pfizer và BioNTech đã bàn giao chưa tới 1% trong tổng nguồn cung vaccine của họ tới các nước thu nhập thấp, trong khi con số này của Moderna chỉ là 0,2%. Cho tới nay, 98% người dân tại các nước thu nhập thấp chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Hành động của 3 công ty trên hoàn toàn trái ngược với AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Hai doanh nghiệp này đã cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận, dù cả hai đã thông báo sẽ chấm dứt cơ chế này trong tương lai khi dịch bệnh chấm dứt.

PVA cho biết mặc dù nhận được khoản ngân sách công lên tới hơn 8 tỷ USD, Pfizer, BioNTech và Moderna đã từ chối kêu gọi chuyển giao công nghệ vaccine cho các nhà sản xuất tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), động thái quan trọng nhằm giúp tăng nguồn cung toàn cầu, giảm giá thành sản phẩm và cứu sống hàng triệu người.

Trong trường hợp của Moderna, công ty đã từ chối bất chấp sức ép từ chính quyền Mỹ và đề nghị của WHO rằng họ nên phối hợp và đẩy nhanh kế hoạch chia sẻ công thức để mở rộng quy mô sản xuất vaccine tại Nam Phi.

Về phần mình, Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Albert Bourla cho rằng việc chuyển giao công nghệ là vô lý, vì việc WHO phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp vaccine Covaxin do Ấn Độ sản xuất vào đầu tháng này đã chứng minh các nước đang phát triển có đủ năng lực và chuyên môn trong lĩnh vực này.

PVA hiện có 80 thành viên, trong đó có Liên minh châu Phi, Global Justice Now, Oxfam, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).

Liên minh này đang kêu gọi các tập đoàn dược phẩm ngay lập tức đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19, thông qua việc đồng ý với đề xuất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về miễn áp dụng Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). 

Hơn 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã ủng hộ động thái này, nhưng đã một số quốc gia phát triển khác, trong đó có Anh và Đức, giữ lập trường phản đối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục