PG Bank sẽ thay đổi ra sao hậu "chia tay" Petrolimex?

07:50' - 23/11/2023
BNEWS Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sẽ đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển sau khi "chia tay" cổ đông lớn Petrolimex.
Theo Nghị quyết mới ban hành của Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB), ngân hàng này sẽ thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đổi tên viết bằng tiếng Việt thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển.

Tên viết bằng tiếng nước ngoài thay đổi từ Petrolimex Group Commercial Joint Stock Bank thành "Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank".

Tên viết tắt PG Bank (chữ PG và chữ Bank có khoảng cách) được thay đổi thành PGBank (chữ PG dính liền chữ Bank).

 
Trước đó, PG Bank đã xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thương mại và được chấp thuận. Nguyên nhân là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex.

Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và Petrolimex đã yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của ngân hàng là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thờ, PGBank cũng thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trụ sở ngân hàng này trước đó đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội.

Loạt thay đổi diễn ra sau khi xuất hiện 3 cổ đông lớn mua lại 40% cổ phần từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh (13%), Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát (14%) và Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (13%). Vài tháng gần đây, nhân sự thượng tầng của PGBank liên tục thay đổi sau khi Petrolimex thoái vốn.

Sau khi kiện toàn hội đồng quản trị, PGBank có chủ tịch mới là ông Phạm Mạnh Thắng, từng là sếp cũ của Vietcombank. Phó chủ tịch của nhà băng này là ông Đào Phong Trúc Đại, từng đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành công khi giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank). 

Kể từ ngày 17/11 vừa qua, PG Bank đã bổ nhiệm bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng với thời hạn 5 năm.

Bà Đinh Thị Huyền Thanh sinh năm 1981 và có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, bà Huyền Thanh chỉ mới gia nhập PG Bank vào tháng 7/2023 với vai trò Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực. 

Tháng 8/2023, bà Huyền Thanh chính thức được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực.

Ngày 23/10/2023, Hội đồng Quản trị PG Bank đã thông qua việc bổ nhiệm bà Thanh - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 -2025 đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc của ngân hàng.

Cập nhật báo cáo tài chính quý III/2023 của PG Bank cho thấy ngân hàng lãi trước thuế 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2022 trong bối cảnh mảng kinh doanh phi tín dụng khác như dịch vụ, ngoại hối, lãi khác đều sụt giảm.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay với ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tại thời điểm 30/9 tăng 63% so với thời điểm đầu năm.

Theo đó, dư nợ cho vay của PG Bank tại thời điểm 30/9/2023 là hơn 30.485 tỷ đồng. Trong đó, ngành có dư nợ cho vay tăng nhanh đáng kể nhất là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác khi đạt dư nợ hơn 2.769 tỷ đồng so với mức hơn 1.700 tỷ đồng hồi đầu năm, tương đương mức tăng đến hơn 63% trong 9 tháng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục