Doanh thu tụt dốc, ngân hàng vẫn thu nghìn tỷ từ bán chéo bảo hiểm

11:05' - 06/09/2023
BNEWS Sau nhiều ồn ào với các khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua ngân hàng (bancassurance) đã tụt dốc trong nửa đầu năm 2023, có nơi giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, một số ngân hàng vẫn thu về hàng nghìn tỷ đồng từ bán chéo bảo hiểm và dự báo dư địa tăng trưởng ở lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.

 

Cụ thể, báo cáo tài chính giữa niên độ của 7/8 ngân hàng hạch toán chi tiết các khoản mục thu chi từ hoạt động bảo hiểm đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm về khoản thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.

Trong đó, tốc độ giảm mạnh nhất ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) khi giảm hơn 81% so với cùng kỳ, chỉ thu về 46 tỷ đồng từ bảo hiểm sau nửa đầu năm 2023. Kế sau đó là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với mức giảm 63%, thu về 11 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lần lượt ghi nhận thu nhập ở mức 223 tỷ đồng, 290 tỷ đồng và 315 tỷ đồng, giảm mạnh lần lượt 55%, 53% và 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vẫn ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm tới 4.195 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 23% so với cùng kỳ, còn hơn 1.500 tỷ đồng. Trước đó, doanh thu từ bảo hiểm tại MB liên tục tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2019-2022, chiếm tới 70% doanh thu từ các hoạt động dịch vụ.

Thu về nghìn tỷ từ dịch vụ bảo hiểm trong nửa đầu năm còn có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 1.385 tỷ đồng. Tuy nhiên mức thu này vẫn giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Duy nhất có Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tăng gấp đôi thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm, lên gần 11 tỷ đồng từ mức 5,4 tỷ đồng hồi nửa đầu năm 2022.

Liên quan đến doanh thu sụt giảm mạnh, Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thu nhập từ bán chéo bảo hiểm của ngành ngân hàng bị ảnh hưởng do có các vụ việc lùm xùm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, trong khi thu nhập của người dân giảm sút vì kinh tế khó khăn.

VCBS dự báo lãi từ phí bảo hiểm cả năm nay sẽ giảm 10-15% so với năm ngoái, kéo theo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc, mức tăng trưởng có thể chỉ đạt khoảng 10%.

Bancassurance từng được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng khi tận dụng khai thác được tệp khách hàng lớn của mình, gia tăng nguồn thu từ những khoản phí trả trước, hoa hồng từ các công ty bảo hiểm, đồng thời có thể đẩy mạnh dịch vụ khác đối với khách mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, việc liên tục xuất hiện những khiếu nại của khách hàng đã khiến niềm tin về sản phẩm này sa sút. Không ít người phản ánh việc đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lại biến thành các sản phẩm liên kết đầu tư, hợp đồng bảo hiểm hoặc tình trạng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân khoản vay...

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh gửi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm về hoạt động bancassurance.

Gần đây, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life chỉ ra hoạt động bancassurance có nhiều sai phạm, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới. Ít nhất 30% khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng chỉ đóng phí năm đầu tiên, thậm chí có ngân hàng tỷ lệ này lên tới 70%, tức có 7/10 khách hàng mua bảo hiểm chỉ đóng phí trong năm đầu rồi bỏ.

Dù đứng trước nhiều thông tin tiêu cực về chất lượng tư vấn, sản phẩm bảo hiểm bán chéo nhưng bancassurance vẫn được ngân hàng đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết định hướng của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023 là tập trung cho doanh thu từ phí và doanh thu ngoài lãi.

HDBank sẽ tận dụng cơ hội có nhiều khả năng phục hồi của thị trường bancassurance và trái phiếu, bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2023, từ đó nâng cao hiệu quả về thu phí dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi, giảm tỷ lệ nợ xấu trọng giai đoạn cuối năm với kỳ vọng đưa tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống khoảng 1,7-1,9%.

Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ bancassurance độc quyền, ông Thanh tiết lộ HDBank vẫn đang lựa chọn vòng cuối cùng những nhà tư vấn đầu tư về tài chính cho việc mở thầu và lựa chọn đối tác độc quyền bancassurance, có khả năng hoàn thành lựa chọn trong thời gian 2023-2024.

"Trước mắt, HDBank sẽ đi cùng nhà tư vấn và đầu tư quốc tế cho công tác chuẩn bị trước khi mở thầu nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho ngân hàng, cổ đông và nhà đầu tư", Tổng Giám đốc HDBank nhấn mạnh.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đặt mục tiêu doanh thu từ phí năm 2023 tăng 30% so với năm trước, đạt 4.080 tỷ đồng, trong đó phí từ bán chéo bảo hiểm đạt 809 tỷ đồng.

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh thu từ bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng có thể được cải thiện khi niềm tin của khách hàng dần phục hồi. Để có được điều đó, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát lại tất cả các khâu, đảm bảo nhân viên tư vấn nắm rõ sản phẩm, tư vấn rõ ràng, minh bạch, giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về sản phẩm mà họ tham gia.

Dù vậy, ông Hiếu bày tỏ quan điểm cần tách bạch nghiệp vụ giữa ngân hàng và bảo hiểm. Sự hợp tác chỉ nên dừng ở việc ngân hàng giới thiệu khách, còn việc tư vấn là do hãng bảo hiểm trực tiếp làm và ngược lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục