Tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp

13:27' - 16/09/2023
BNEWS Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, kỳ vọng sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nhiều ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới nhất với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.

Lãi suất cao nhất tại Vietcombank và Agribank hiện chỉ còn 5,5%/năm áp dụng với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,3 điểm % so với trước. Đây cũng là mức thấp nhất từng ghi nhận trong giai đoạn dịch COVID-19.

Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã thông báo giảm lãi suất huy động, đặc biệt đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank)…

Riêng tại Đà Nẵng, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của Cục thống kê Thành phố Đà Nẵng cho biết lãi suất huy động trên địa bàn trong tháng 8/2023 phổ biến ở mức từ 0,1% - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 01 tháng; kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng ở mức 4,5% - 4,75%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng đến 12 tháng ở mức 6,0% - 6,5%/năm; từ trên 12 tháng ở mức 6,5% - 7,0%/năm.

Còn với lãi suất cho vay VNĐ, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7,5 - 8,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa VND đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,0%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 9% - 11%/năm.

 
Cũng theo báo cáo trên, tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt 209.327 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước, tăng 0,1% so với cuối năm 2022. Dư  nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 202.981 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước; dư nợ ngoại tệ đạt 6.346 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước. Dư nợ trung dài hạn đạt 116.060 tỷ đồng, chiếm 55,4% tổng dư nợ, giảm 0,5% so với tháng trước; dư nợ ngắn hạn đạt 93.267 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng dư nợ, giảm 0,7% so với tháng trước.

Ước đến cuối tháng 8/2023, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 211.000 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đạt 204.500 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; dư nợ ngoại tệ đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 21,0% so với cuối năm 2022. Dư nợ trung dài hạn đạt 117.000 tỷ đồng, chiếm 55,5% tổng dư nợ, giảm 1,9% so với cuối năm 2022; dư nợ ngắn hạn đạt 94.000 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng dư nợ, tăng 4,6% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, đến cuối tháng 7/2023, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng đã đạt 179.039 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 4,0% so với cuối năm 2022. Tiền gửi VND đạt 174.313 tỷ đồng, chiếm 97,4% tổng nguồn vốn, tăng 0,002% so với tháng trước; tiền gửi ngoại tệ đạt 4.726 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng nguồn vốn, tăng 3,3% so với tháng trước. Tiền gửi tiết kiệm đạt 115.550 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước; tiền gửi thanh toán đạt 63.489 tỷ đồng, tăng 0,4 % so với tháng trước.

Ước đến cuối tháng 8/2023, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2022. Tiền gửi VND đạt 175.000 tỷ đồng, chiếm 97,2% tổng nguồn vốn, tăng 4,8% so với cuối năm 2022; tiền gửi ngoại tệ đạt 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nguồn vốn, giảm 2,2% so với cuối năm 2022. Tiền gửi tiết kiệm đạt 116.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2022; tiền gửi thanh toán đạt 63.600 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2022.

Trong một hội nghị về thúc đẩy tín dụng mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết nhiệm vụ trong thời gian tới đối với các tổ chức tín dụng là tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ; tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc nhấn mạnh ngoài việc kết nối, báo cáo chính quyền địa phương, theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là nơi đầu mối kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, nắm đc những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện nay. Trên cơ sở đó, cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.

Đối với các doanh nghiệp, Phó Thống đốc bày tỏ trong giai đoạn hiện nay, rất chia sẻ với những khó khăn với doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng phải tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền, phối hợp với tư tưởng đồng hành, chia sẻ, gắn bó, cởi mở, báo cáo trung thực tài chính với ngân hàng; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn; quan tâm đến chuyển đổi số…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục