Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt trên 7%

15:21' - 21/10/2024
BNEWS Việt Nam tiếp tục giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%,
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 21/10, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Cụ thể, Việt Nam tiếp tục giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.

* 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Khái quát bối cảnh bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%.

Nổi bật, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 85% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD...

Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm; hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và công nghệ cao...

*Khơi thông nguồn lực, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quán triệt tinh thần thể chế là nguồn lực, động lực, là mục tiêu của sự phát triển, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tập trung cao độ hoàn thiện, trình Quốc hội các dự án luật, nghị quyết, trong đó có hình thức một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính… trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả tích cực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động sản xuất, kinh doanh; nợ xấu; giải ngân vốn đầu tư công; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thể chế, pháp luật; việc phân cấp, phân quyền; chất lượng nguồn nhân lực...

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật còn vướng mắc. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nêu 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Kiểm soát tốt nguồn cung, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Cùng với đó, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Nâng cao chất lượng tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Đặc biệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển.

Mặt khác là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi.

“Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Quyết liệt đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Ngoài ra, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, hydrogen. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục