Phản ứng chính sách của ECB khi lạm phát của Eurozone cao kỷ lục

16:23' - 06/06/2022
BNEWS Lạm phát tại khu vực Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng Năm, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung euro được lưu hành, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải hành động.

Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 8,1% trong tháng Năm, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung euro được lưu hành, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải hành động.

ECB đang chuẩn bị cho việc kết thúc chương trình mua trái phiếu với tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ euro (5.400 tỷ USD) được thực hiện từ năm 2014. Chương trình mua trái phiếu đã có những tác động đến nền kinh tế khu vực và vấn đề được đặt ra là ECB sẽ có những bước đi ra sao sau khi dừng chương trình này.

*Những tác động đến nền kinh tế khu vực

Vào năm 2014, khi nguy cơ giảm phát xuất hiện, ECB đã khởi động chương trình mua trái phiếu nhằm thúc đẩy đà tăng giá và tăng trưởng kinh tế. Chương trình này đã kéo lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng xuống. Đưa lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục là cách mà ECB hỗ trợ nền kinh tế.

ECB sau đó đã triển khai một kế hoạch mới trong năm 2020 để duy trì lãi suất trong tầm kiểm soát và đưa nền kinh tế vượt qua đại dịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện, nhưng lạm phát khó đạt đến mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Lạm phát bắt đầu tăng khi đại dịch bùng phát, do các biện pháp phong tỏa khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả tăng, trong khi nhu cầu thay đổi. Những hy vọng về sự giảm tốc của lạm phát bị dập tắt khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra. Xung đột đã khiến giá năng lượng, nguyên liệu thô và lương thực tăng mạnh. Eurozone cảm nhận được rõ rệt sức ép của giá cả.

Từ chỗ lạm phát thấp kéo dài dù ECB đã có những phản ứng chính sách, các yếu tố bên ngoài đang tiếp tục duy trì áp lực giá cả trong khu vực. Khi ECB đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% trong trung hạn, những con số đáng báo động đã làm thay đổi lộ trình này.

ECB đã sẵn sàng cho việc đưa ra quyết định dừng chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vào ngày 9/6. Quyết định này được cho là sẽ mở đường để ECB nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên trong vài tuần sau đó.

Việc giá cả tăng mạnh buộc ECB phải đẩy nhanh việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng, khi đang tụt lại sau các ngân hàng trung ương ở Anh và Mỹ trong việc hành động quyết liệt để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây đã nói chương trình mua tài sản sẽ kết thúc sớm vào quý III/2022. Bà cho biết, ECB có thể quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Bảy và kết thúc thời kỳ lãi suất âm vào cuối tháng Chín tới. 

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ECB ở mức âm kể từ năm 2014. Mức lãi suất này âm có nghĩa các ngân hàng thương mại sẽ phải trả phí khi gửi tiền vào ECB.

Đó là chính sách mà cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi đã thực hiện nhằm duy trì sự lưu thông tiền mặt trong hệ thống tài chính ở Eurozone trong thời điểm xuất hiện rủi ro giảm phát.

*Và hành động tiếp theo

Chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ kết thúc vào đầu tháng Bảy và về lý thuyết, sẽ làm giảm đi phần nào sức ép lạm phát. Trong khi đó, công cụ chính của ngân hàng này trong việc kiểm soát lạm phát là lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB có thể đã sẵn sàng tăng lãi suất lên khỏi mức âm và đưa về mức trung lập, một mức không kích thích và cũng không cản trở nền kinh tế, trong khoảng 0-2%.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh tế yếu và xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là trở ngại đã hạn chế khả năng hành động của ECB. Nếu ECB tăng lãi suất quá nhanh, nền kinh tế khu vực có thể đột ngột mất đi sự hỗ trợ, với những tác động tiêu cực đến một số thành viên Eurozone.

Trong cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone trước đây, các nước phía Nam đã chịu tác động lớn khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Việc tăng lãi suất có thể gây sức ép lên những nước có số nợ lớn. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ của những nước này và những nước như Đức được xem là dấu hiệu đáng chú ý.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ tiếp tục theo dõi sát sao xem liệu chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Đức và Italy (I-ta-li-a) cũng như Hy Lạp có bắt đầu nới rộng quá mức hay không.

Nếu chênh lệch gia tăng, bà Lagarde đã nói ngân hàng này đã chuẩn bị cho một công cụ chính sách mới có thể giảm chi phí đi vay của các nước có gánh nặng nợ.

ECB rõ ràng đã hoàn tất việc thảo luận có tăng lãi suất hay thậm chí là việc khi nào sẽ tăng lãi suất hay không và vấn đề được bàn đến duy nhất trong những tuần tới là sẽ tăng ở mức nào trong lần tăng đầu tiên.

Một số thành viên hội đồng điều hành ECB đã đề cập đến khả năng tăng 50 điểm cơ bản để đưa lãi suất lên khỏi mức âm. Trước khi số liệu lạm phát tại Eurozone được công bố, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan, Klaas Knot, nói rằng một động thái như vậy là có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, các nhà quan sát kêu gọi ECB hành động thận trọng hơn. Vào cuối tháng Năm, nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, cho rằng mức tăng 25 điểm cơ bản mỗi lần là thỏa đáng.

Cuối cùng, mức lãi suất nào là hợp lý sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh tế của Eurozone.

ECB dự kiến công bố các dự báo kinh tế mới vào ngày 9/6. Theo các dự báo trước, được công bố ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2022 xuống 3,7% và nhận định lạm phát sẽ tăng lên 5,1%.

Giám đốc điều hành ngân hàng Citi của Mỹ, Jane Fraser, cho rằng châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái rất lớn, do xung đột Nga-Ukraine./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục