Pháp, Đức sử dụng chính sách tài khóa để chống lại lạm phát cao kỷ lục

08:15' - 10/09/2022
BNEWS Pháp và Đức ngày 9/9 đã cam kết cùng hành động để bảo vệ các hộ gia đình và công ty trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, đồng thời sử dụng chính sách tài khóa để chống lại lạm phát cao kỷ lục.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Đức Christian Lindner đã thể hiện sự thống nhất ngay khi mở đầu cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở thủ đô Praha của CH Séc, theo đó cho biết hai nước sẽ hợp tác về các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát. Bộ trưởng Lindner nhấn mạnh đó là một tín hiệu cho thấy hai nước "đang sát cánh cùng nhau".

 

Cam kết trên được đưa ra 1 ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ sở - mức tăng chưa từng có tiền lệ, đồng thời tuyên bố có thể tăng lãi suất hơn nữa, qua đó ưu tiên chống lạm phát cho dù EU đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế vào mùa Đông tới và phải phân phối khí đốt.

Bộ trưởng Linder nêu rõ: "Là bộ trưởng tài chính, chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Đã có tín hiệu mạnh từ ECB về nỗ lực chống lạm phát. Và nhiệm vụ của chúng ta cũng là chống lạm phát bằng các chính sách tài khóa".

Về phần mình, Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh hai nước sẽ bảo vệ các hộ gia đình cũng như các công ty tư nhân trước những hệ quả của việc giá cả tăng cao.

Pháp, Đức và nhiều quốc gia khác đã công bố các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng đối phó với lạm phát tăng vọt.

Tổ chức tư vấn Bruegel ước tính các khoản hỗ trợ của các chính phủ thuộc EU hiện đã đạt 282 tỷ euro (tương đương 285 tỷ USD) và sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Tuy nhiên, chính sự hỗ trợ này có thể thúc đẩy lạm phát, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Do đó, các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone sẽ thảo luận cách phối hợp các chính sách để ngăn chặn điều này.

Bộ trưởng Tài chính Estonia Keit Pentus-Rosimannus cho biết: "Đó là những cuộc thảo luận khó khăn, nhưng tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ tìm được một giải pháp chung".

Theo kế hoạch, trong ngày 9/9, các bộ trưởng năng lượng của EU cũng nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận một loạt đề xuất của Ủy ban châu Âu (EU) về việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực, trong đó bao gồm mức trần giá khí đốt của Nga, tiền thuế đối với các nhà máy điện không dùng khí đốt, cắt giảm tiêu thụ điện trong toàn khối và hạn mức tín dụng khẩn cấp đối với các công ty điện lực đang phải đối mặt với các yêu cầu về tài sản thế chấp tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục