Pháp lo ngại kinh tế trở lại tình trạng suy giảm trong quý IV

17:47' - 23/10/2020
BNEWS Nền kinh tế Pháp có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong 3 tháng cuối năm do tác động của các lệnh giới nghiêm áp dụng tại nhiều vùng đô thị của quốc gia này nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Phát biểu trên kênh phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo trong quý IV, kinh tế Pháp có thể sẽ tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, kinh tế nước này được dự báo sẽ bật trở lại mạnh mẽ vào năm 2021 và năm 2022 sẽ trở lại các mức của năm 2019, khi dịch bệnh chưa xảy ra.

Ông Le Maire cũng cho rằng việc trở lại giai đoạn suy giảm là "không có gì đáng ngạc nhiên" trong bối cảnh nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng rơi vào cảnh suy thoái "chưa từng có" vì các biện pháp phong tỏa từng áp dụng hồi đầu năm.

Ông Le Maire cho biết giới chức cũng lường trước nguy cơ dịch bùng phát trở lại khi tình hình dịch bệnh thế giới còn nhiều bất ổn.

Hiện Pháp đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai với số ca mắc mới trong ngày gần nhất ghi nhận ở mức hơn 40.000 ca.

Từ cuối tuần qua, thủ đô Paris cùng với 8 thành phố khác đã thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 22/10 cho biết các biện pháp hạn chế này sẽ được mở rộng sang 38 tỉnh và vùng Polynesia thuộc Pháp, bắt đầu từ nửa đêm 23/10 và kéo dài trong 6 tuần.

Như vậy, tổng cộng khoảng 46 triệu người, tức gần 70% dân số Pháp, sẽ buộc phải ở trong nhà vào ban đêm.

Nhận định mới của Bộ trưởng Kinh tế Pháp có thể sẽ làm chùn chân một số nhà sản xuất nước này trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều đang tự tin hơn khi doanh thu có xu hướng cải thiện trong quý III nhờ các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ giúp hoạt động kinh tế khởi động trở lại.

Hãng chế tạo ô tô Renault, một trong những nhà sản xuất hàng đầu của Pháp, thông báo doanh thu quý III giảm nhưng tình hình đã được cải thiện nhờ thị trường toàn cầu có dấu hiệu hồi phục và các mẫu xe điện của hãng cũng bán chạy hơn.

Cụ thể, doanh thu của Renault giảm 8,2% xuống mức 10.4 tỷ euro (12,3 tỷ USD) trong 3 tháng tính tới tháng 9 và số lượng sản phẩm bán ra cũng giảm 6,1% xuống 806.320 xe.

Kết quả này cũng khả quan hơn những dự báo được Bloomberg tổng hợp chỉ ra mức doanh thu của Renault chưa đến 10 tỷ euro trong quý III.

Thông báo cũng nêu rõ quý III thị trường xe ô tô thế giới có xu hướng cải thiện, trong khi giá trị đồng euro mạnh hơn cũng là nguyên nhân khiến doanh thu giảm vì giá xe xuất khẩu của Renault cũng sẽ tăng theo giá trị đồng euro.

Thị trường châu Âu đặc biệt cải thiện trong tháng 9 (tăng 3%) giúp doanh số của Renault tại đây tăng 8%.

Cùng với đó, doanh số bán xe điện Zoe của hãng đặc biệt tăng hơn gấp đôi (150%). Gám đốc điều hành Renault Luca de Meo khẳng định các mẫu xe điện và xe chạy được cả xăng và điện của hãng rất được thị trường đón nhận, các khoản dự trữ thanh khoản và tinh thần tốt giúp hãng tự tin đang bắt đầu hồi phục sau đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục