Pháp luật về quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài có nên được sửa đổi?

17:45' - 09/05/2019
BNEWS Nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài cần được điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan của các Hiệp định tương trợ tư pháp.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, Giám đốc cơ sở 2, Trường Đại học Lao động - Xã hội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Ngày 9/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lao động - Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay”.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thảo luận, làm rõ khó khăn thuận lợi, trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp đến các doanh nghiệp FDI; đồng thời, đề xuất các giải pháp xây dựng quan hệ lao động, nâng cao chất lượng làm việc, tạo nền tảng phát triển đột phá cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, Giám đốc cơ sở II, Trường Đại học Lao động - Xã hội đánh giá cao những đóng góp tích cực của doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Đồng thời, khẳng định chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030 chỉ tiếp nhận những đồng vốn FDI kèm theo cam kết bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ và sử dụng nhân lực trình độ cao.
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi mạnh mẽ chiến lược phát triển doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, cơ cấu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp FDI.

Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng chiến lược chi phí thấp, làm gia tăng mâu thuẫn về lợi ích giữa giới chủ và người lao động; nhiều doanh nghiệp gia tăng vốn đầu tư vào những địa phương có mức độ phát triển kinh tế thấp cho thấy thực trạng quan hệ lao động khép kín của doanh nghiệp.
Khái quát về đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ đường lối của Đảng đến việc triển khai thực hiện của nhà nước, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam và các nước ASEAN còn thấp (Việt Nam xếp hạng 70/100); chỉ số lao động có chuyên môn cao của Việt Nam và các nước ASEAN chưa cao (trong đó Việt Nam xếp hạng 81/100); chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với các nước ASEAN (Việt Nam xếp hạng 80/100).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Để khắc phục tình trạng trên, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành đề xuất việc cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý; đầu tư trọng điểm cho giáo dục, nhất là đào tạo nghề về cơ sở vật chất, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh công tác truyền thông trong đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa học tập gắn với đào tạo thực tiễn (thực hành tại doanh nghiệp); chú trọng công tác giảng dạy, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, tư duy phản biện trong sinh viên...
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bành Quốc Tuấn (Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài cần được điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan của các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên. 

Như vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bành Quốc Tuấn, trong quá trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam sẽ đón nhận một lực lượng lao động quốc tế và các quy trình tự động hóa thay lao động thủ công.

Chính vì thế, các ngành chức năng cần đẩy mạnh đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn lao động chất lượng cao, bảo đảm không ngừng tăng năng suất lao động; người lao động cần phát huy năng lực chuyên môn, chủ động học tập, nâng cao trình độ để thích ứng với hội nhập.
Ở góc độ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Xuân (Đại học Công Đoàn) cho rằng, cần hoàn thiện các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp FDI (vì hiện có khoảng 60% doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức công đoàn); đổi mới mô hình tổ chức và đột phá trong công tác cán bộ công đoàn.

Tổ chức công đoàn cần hoạt động theo hướng ưu tiên cho cơ sở; đảm bảo tính năng động, linh hoạt, hiện đại để tập hợp, thu hút người lao động. Cán bộ công đoàn không chỉ nặng về “bàn giấy” mà phải là chuyên gia về thương lượng, đàm phán, đối thoại để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và xác định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp xoay quanh về quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, điều phối nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vấn đề hoàn thiện pháp luật liên quan đến người lao động tại Việt Nam; những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến quan hệ lao động trong các doanh nghiệp FDI và vai trò của tổ chức công đoàn; áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ thống quản lý xung đột hợp nhất nhằm hòa giải tranh chấp lao động; những vấn đề người lao động cần trang bị để có việc làm bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.../.
Xem thêm:

>>Nghệ An ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

>>Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục