Pháp: Nhà máy hạt nhân thế hệ mới chậm tiến độ và đội vốn

09:06' - 19/12/2022
BNEWS Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) cho biết hoạt động xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo của Pháp tại Flamanville có thể kéo dài thêm 6 tháng.

Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) cho biết hoạt động xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo của Pháp tại Flamanville có thể kéo dài thêm 6 tháng - đây là trở ngại mới nhất đối với công nghệ hạt nhân hàng đầu mà Pháp hy vọng sẽ “xuất khẩu” trên toàn thế giới.

 

Sự chậm trễ này dự kiến làm chi phí của dự án tăng thêm 500 triệu euro (530 triệu USD). Như vậy, tổng kinh phí ước tính khoảng 13 tỷ euro, vượt xa mức dự kiến ban đầu là 3,3 tỷ euro khi công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2007.

EDF đang gặp khó khăn trong việc khởi động lại hàng chục lò phản ứng hạt nhân đã phải tạm ngừng hoạt động để bảo trì. EDF cũng cho biết thêm rằng một trong hai lò phản ứng thế hệ cũ tại Flamanville sẽ không hoạt động trở lại cho đến ngày 19/2 tới, thay vì vào tuần tới như kế hoạch.

Trong khi đó, một lò phản ứng tại Penly ở khu vực Tây Bắc nước Pháp sẽ được khởi động lại vào ngày 20/3/2023 thay vì vào tháng 1/2023 như dự kiến ban đầu.

Chính phủ Pháp đã cảnh báo về khả năng thiếu điện trong mùa Đông này do phải ngừng hoạt động khoảng 20 trong số 56 lò phản ứng trên khắp đất nước vốn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu điện của nước này.

EDF cho biết các vấn đề mới nhất tại Flamanville, trên eo biển Manche ở Normandy, xuất hiện vào mùa Hè năm ngoái khi các kỹ sư phát hiện ra rằng các mối hàn trong đường ống làm mát của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba, được gọi là EPR, không chịu được nhiệt độ cực cao như mong đợi. Do đó, lò phản ứng mới sẽ chỉ bắt đầu phát điện vào giữa năm 2024.

Lò phản ứng EPR sử dụng công nghệ của Pháp và Đức - được cho là động lực chính để “hồi sinh” lĩnh vực năng lượng hạt nhân ở châu Âu sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Nga, và được quảng cáo là cung cấp sản lượng điện hiệu quả hơn và an toàn hơn.

Tuy nhiên, các dự án tương tự tại Olkiluoto ở Phần Lan, Hinkley Point ở Anh và nhà máy Taishan ở Trung Quốc cũng đang bị đình trệ, điều này làm dấy lên nghi ngờ về công nghệ mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng Hai bày tỏ kỳ vọng vào "sự phục hưng" của điện hạt nhân với 14 lò phản ứng hạt nhân mới ở Pháp khi nước này tìm cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục