Pháp tìm kiếm "sự tái cân bằng" với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại

05:30' - 17/01/2018
BNEWS Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi cùng một phái đoàn gồm 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mong muốn kinh doanh với cường quốc châu Á này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong mối quan hệ Pháp-Trung Quốc, Tổng thống Pháp dường như rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giao thương kéo dài từ nhiều năm nay. 

Trước khi ông Macron đến Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày, bắt đầu từ 8/1, giới quan sát đã khẳng định rằng một trong những trọng tâm của chuyến thăm này sẽ là dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, hay có tên gọi “Vành đai và Con đường” (BRI).

Barthelemy Courmont, chuyên gia về châu Á thuộc trung tâm tham vấn IRIS tại Paris, nhận định BRI sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế trong những năm tới và sẽ là điểm quan trọng nhất trong suốt chuyến thăm của ông Macron.

Các kế hoạch trong khuôn khổ BRI sẽ triển khai xây dựng mạng lưới đường bộ và đường sắt mới xuyên qua Trung Á và phía bên kia, cũng như các tuyến đường biển mới trải khắp Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Bắc Kinh sẽ phát triển đường bộ, cảng và các tuyến đường sắt xuyên qua 65 nước, chiếm khoảng 60% dân số thế giới và 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu.

Cho tới nay, Pháp vẫn tỏ ra thận trọng về kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” nhưng chuyên gia Courmont cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang "chờ đợi một lập trường rõ ràng" từ phía ông Macron vào thời điểm khi họ coi nhà lãnh đạo trẻ này như một "động lực" đối với tăng trưởng tại châu Âu.

Chuyên gia Courmont nhận định rằng nếu ông Macron đưa ra một quyết định về cách thức giải quyết sáng kiến này của Trung Quốc, tất cả châu Âu sẽ đi theo. Tuy nhiên, nhà kinh tế này thừa nhận châu Âu bị chia rẽ vì những ý tưởng đầy tham vọng của Trung Quốc.

Châu lục này có khả năng được hưởng lợi lớn từ hoạt động thương mại gia tăng trong những thập kỷ tới nhưng ở một góc độ nào đó, có sự hoài nghi rằng điều đó che giấu sự tranh giành ảnh hưởng bất thành của Bắc Kinh.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được hưởng lợi từ đầu tư của Trung Quốc nhưng vẫn tỏ ra dè dặt. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hồi tháng 8/2017 cảnh báo: "Nếu chúng ta không triển khai một chiến lược đối diện với Trung Quốc thì họ sẽ chia rẽ châu Âu thành công".

Theo văn phòng Tổng thống Pháp, trong khi đó Pháp đang tìm kiếm "sự tái cân bằng" với Trung Quốc trong suốt chuyến thăm của ông Macron vì thâm hụt thương mại giữa hai nước này lên tới 30 tỷ euro, mức lớn nhất so với bất kỳ đối tác nào.

Ngày 4/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Các đối tác Trung Quốc sẽ muốn giải pháp cùng thắng hơn. Tại sao không?Với điều điện không phải một bên được lợi gấp đôi.Đó không phải ý định của Pháp nhằm ngăn cản Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi cần thiết lập một mối quan hệ đối tác dựa trên việc dành đặc quyền cho nhau khi hướng tới việc mở cửa các thị trường"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục