Phát hiện 3 đàn voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan

14:35' - 10/07/2017
BNEWS Những cá thể voọc chà vá chân đen – một trong những loại động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B.

Theo Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và Thị xã Long Khánh, sau khi nhận được tin báo của quần chúng, những ngày qua, ngành chức năng Đồng Nai đã lên núi Chứa Chan ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai tìm hiểu.

Sau nhiều ngày khảo sát, cơ quan thực thi công vụ đã ghi nhận hàng chục cá thể voọc chà vá sinh sống ở độ cao từ 300m – 600m trên núi Chứa Chan.

Hạt Kiểm lâm liên huyện xác định, đây là những cá thể voọc chà vá chân đen – một trong những loại động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B, cần được đặc biệt ưu tiên bảo vệ.

Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh cho biết, trên núi Chứa Chan (độ cao 300m) có khoảng gần 20 cá thể voọc sinh sống, chia thành 2 đàn và sinh sống với nhau như một quần thể.

Ngoài 2 đàn voọc nêu trên, tại độ cao khoảng 600 m trên núi Chứa Chan còn có 1 đàn voọc khác cũng đang sinh sống. Điều đặc biệt là cả ba đàn này đều có những cá thể đang mang bầu, một số con còn rất nhỏ. Đây là lần đầu tiên, kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh phát hiện số lượng lớn voọc chà vá tại núi Chứa Chan.

Theo ông Tôn Hà Quốc Dũng, voọc chà vá chân đen là một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, cần được bảo vệ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 628 yêu cầu các ngành, địa phương khẩn cấp triển khai các kế hoạch bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam.

Hiện Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ đàn voọc này. Ngành chức năng khuyến cáo người dân khi thấy voọc thì nên tỏ thái độ thân thiện, không được săn bắt trái phép.

Theo nhiều người dân đang sản xuất nông nghiệp ở núi Chứa Chan, thời gian gần đây, họ thường nhìn thấy những cá thể voọc đi kiếm ăn ở lưng chừng núi, có khi voọc còn xuống tận chân núi tìm thức ăn và khi thấy người, voọc không hoảng sợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục