Phát hiện enzyme trong máu "mở đường" cho SARS-CoV-2 vào cơ thể

14:31' - 11/05/2020
BNEWS Một nghiên cứu lớn của châu Âu đã phát hiện một enzyme trong máu có vai trò dẫn dắt virus SARS-CoV xâm nhập các tế bào, gây ra những biến chứng nghiêm trọng về hô hấp ở những bệnh nhân COVID-19.

Enzyme chuyển hóa kích thích tố tăng huyến áp (ACE2) có trong tim, thận và các cơ quan nội tạng khác của người. Đối với bệnh COVID-19, enzyme này được cho là đóng vai trò trong biến chứng vào phổi.

Trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Tim mạch châu Âu ngày 11/5, Giáo sư Adriaan Voors chuyên khoa Tim mạch thuộc Viện Đại học y Groningen ở Hà Lan và cũng là đồng tác giả nghiên cứu trên, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã đo mật độ ACE2 ở hơn 3.500 bệnh nhân tim mạch tại 11 nước châu Âu.

Theo đó, xác định mật độ ACE2 trong máu của nam giới cao hơn ở nữ giới. Việc đo mật độ enzyme này được tiến hành trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, do đó các mẫu máu xét nghiệm không bao gồm các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV gây bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu khác chỉ ra ACE2 là nhân tố dẫn dắt virus SARS-CoV xâm nhập các tế bào trong cơ thể người.

Nghiên cứu chỉ ra rằng ACE2 là một thụ thể trên bề mặt tế bào liên kết với virus SARS-CoV-2, cho phép virus này xâm nhập và lây nhiễm các tế bào.

Ngoài xuất hiện ở phổi, ACE2 còn được tìm thấy trong tim, thận và các mô lót trong mạch máu và đặc biệt cao tại tinh hoàn.

Qua đó, Giáo sư Voors và nhóm nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của ACE2 ở tinh hoàn có thể phần nào lý giải lý do mật độ enzyme này ở nam giới cao hơn ở nữ giới và nam giới dễ mắc COVID-19 hơn nữ giới.

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ rằng việc sử dụng các loại thuốc ức chế ACE hay ngăn chặn sự hấp thu angiotensin (ARB), vốn được kê đơn cho các bệnh nhân tim mạch, không dẫn tới làm tăng mật độ ACE2, do đó không làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 đối với người uống thuốc này.

Do đó, ông Voors khẳng định nghiên cứu này không khuyến nghị ngừng kê đơn thuốc này cho bệnh nhân COVID-19./.

>>Chưa có bằng chứng về hiệu quả của thuốc sốt rét trong điều trị COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục