Phát hiện hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

19:26' - 03/08/2017
BNEWS Từ năm 2012 đến tháng 6/2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc; khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 đối tượng, tổng thiệt hại 70 tỷ đồng.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phối hợp hiệu quả để đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHYT, BHXH. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát (2012-2017), đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đấu tranh có hiệu quả

Thực hiện Quy chế phối hợp, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin; phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương để thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật).

Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, sau khi Quy chế được ban hành, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng chỉ đạo, quán triệt triển khai tới Công an các địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm thông tin, tài liệu do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển sang.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng chủ động tiến hành công tác nghiệp vụ tại các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội để nắm tình hình, thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này.

Qua công tác công tác nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết đơn, thư tố giác, tin báo về tội phạm về về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ năm 2012 đến tháng 6/2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc; khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 đối tượng, tổng thiệt hại 70 tỷ đồng; xử lý hành chính 18 vụ, tổng số tiền thu hồi được hơn 20 tỷ đồng.

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như kẽ hở của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản giấy tờ, nhiều tổ chức, cá nhân đã làm giả giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh bản sao và thực hiện lập hồ sơ giả mạo để thực hiện các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là quỹ ốm đau - thai sản.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ chính sách để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), một số cá nhân ở địa phương này đã bắt tay nhau chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng tiền trợ cấp của 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản, 4 hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Tại nhiều địa phương khác, tình trạng cấu kết, chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản diễn ra khá nhiều.

Nhân viên nhân sự và kế toán của một đơn vị ở Hải Dương đã cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt 867 triệu đồng.

Tại tỉnh Bến Tre, bằng hành vi lập hồ sơ khống 13 công nhân đang làm việc tại đơn vị, một nhân viên đã thanh toán khống chế độ thai sản 255 triệu đồng.

Hay tại Đồng Tháp, có đơn vị đề nghị thanh toán chế độ thai sản cho người lao động theo mức lương đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội là 18 triệu đồng/tháng trong khi đăng ký mức lương với cơ quan thuế là 2,5 triệu đồng/tháng.

Thậm chí có đơn vị ở Cần Thơ lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng bảo hiểm xã hội nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi bảo hiểm xã hội thông qua việc giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Tăng cường công tác phối hợp

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc phối hợp giữa hai ngành có thời điểm chưa được thường xuyên và toàn diện, còn lúng túng, chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng.

Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, mới chỉ tập trung ở các đơn vị sử dụng lao động có số nợ đọng lớn kéo dài và có dấu hiệu lạm dụng chế độ thai sản.

Đến nay, vẫn còn 5 tỉnh, thành phố cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan Công an chưa thực hiện ký kết Chương trình phối hợp.

Những hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp đã dẫn đến việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được kịp thời, chưa tập trung, là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra quá lâu, chưa được phát hiện, giải quyết.

Mặc dù các quy định của pháp luật ngày càng chi tiết, cụ thể và xử phạt nặng hơn với các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhưng trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, luật pháp chưa điều chỉnh hết, các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chắc chắn tiếp tục bị nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn, bà Minh nhận định.

Qua thực tiễn tổ chức phòng ngừa, điều tra và xử lý các vụ việc có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, Trung tướng Trần Văn Vệ cho rằng các lực lượng được giao nhiệm vụ, đặc biệt là lực Cảnh sát kinh tế phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung vào những khâu, những quy trình dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực; coi thông tin dư luận xã hội, thông tin do các cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp là một kênh quan trọng hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát kinh tế trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, việc phối hợp giữa hai ngành sẽ được điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng; quy định chi tiết việc thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm trong lĩnh vực này.

Từ đó, có phương án phối hợp chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm, bảo đảm tính hiệu quả, nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; góp phần thiết thực đảm bảo hướng tới hoàn thiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, điểm nhấn được hai ngành thống nhất triển khai trong giai đoạn tới, đó là bổ sung các hoạt động phối hợp phòng, chống các loại tội phạm, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục