Phát hiện nhiều hành vi gian lận tinh vi trong sản xuất vật tư nông nghiệp

18:34' - 17/07/2018
BNEWS Nhiều thủ đoạn vi phạm rất tinh vi trong hoạt động sản xuất kinh doanh một số vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã bị phát hiện từ đầu năm đến nay.
Cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật Hưng Yên kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ phối hợp với các đơn vị thanh tra liên ngành đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất và đã phát hiện nhiều thủ đoạn vi phạm rất tinh vi trong hoạt động sản xuất kinh doanh một số vật tư nông nghiệp như: thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thanh kiểm tra các đơn vị chức năng đã phát hiện tình trạng một số công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi sử dụng “đạm giả” như: Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide để trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Với “đạm giả” này khi kiểm tra phân tích vẫn có thể giúp thức ăn chăn nuôi đạt hàm lượng đạm. Song đây lại là loại đạm không có công dụng về dinh dưỡng đối với vật nuôi khi sử dụng.

Về tác hại của các loại đạm này đối với sức khỏe con người hiện nay chưa có những nghiên cứu sâu. Hiện, cơ quan chức năng đang xử lý việc sử dụng các chất trên ở ngoài danh mục được phép sử dụng. “Đây là hóa chất công nghiệp, hiện đang có dấu hiệu lan truyền sử dụng” ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, việc ban hành các quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với một số chất cũng đang là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác thanh kiểm tra và xử lí vi phạm.

Điển hình như trước vấn nạn “tiêm thuốc an thần” (Acepromazine) cho lợn trước khi xuất chuồng tại các tỉnh phía Nam đã tồn tại từ khá lâu, nhưng hiện nay cơ quan chức năng vẫn không thể có chế tài xử lí đối tượng vi phạm do ngành y tế chưa công bố chỉ số MRL đối với chất này trong thịt lợn.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất với Bộ Y tế cho phép sử dụng với hàm lượng cho phép như của Nhật Bản.

Cũng theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, đơn vị này phối hợp với đơn vị C49, Bộ Công an đã điều tra, phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở phía Bắc có hành vi trà trộn thêm hoạt chất thuốc trừ cỏ Mesotrione vào các sản phẩm thuốc trừ cỏ nhưng không thực hiện khảo nghiệm và không đăng ký sản phẩm mới.

Ông Dũng đánh giá, đây là hành vi nhằm cạnh tranh không lành mạnh về hiệu quả của thuốc so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là các hoạt chất đều phải có khoảng thời gian cách ly nhất định. Nếu sử dụng không công khai sẽ rất nguy hiểm, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi không đảm bảo yêu cầu cách ly của thuốc.

Qua thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện tình trạng lợi dụng hợp đồng gia công để sản xuất thuốc thú y giả. Ông Phạm Tiến Dũng đánh giá, đây là hành vi mới rất tinh vi trong hoạt động làm giả thuốc thú y thời gian gần đây.

Hành vi này lợi dụng nhãn mác, thương hiệu của một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt thuốc thú y) để sản xuất và trà trộn hàng giả thông qua hợp đồng gia công. Điều này không chỉ là vi phạm rất nghiêm trọng về quản lý sản xuất thuốc, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu và uy tín của doah nghiệp đã đạt chuẩn GMP.

“Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp thuốc thú y đã đạt chuẩn GMP cũng cần phải hết sức thận trọng và cảnh giác khi cho các doanh nghiệp khác nhận gia công” – ông Phạm Tiến Dũng khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục