Nhiều tiến bộ kỹ thuật về bảo vệ thực vật trong sản xuất thân thiện môi trường

12:28' - 13/05/2018
BNEWS Trước sự phát sinh của hàng trăm loại sinh vật gây hại chính hàng năm, ngành bảo vệ thực vật đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để nhân rộng đến nông dân.
Nông dân phun thuốc phòng trừ rầy nâu trên lúa. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điển hình Chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và mô hình công nghệ sinh thái được nhiều tỉnh triển khai trên gần 2 triệu ha/năm. Hay Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vẫn tiếp tục được nhân rộng với gần 700.000 ha và có khoảng 1,5 triệu nông dân ứng dụng.

Hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ áp dụng lịch gieo sạ né rầy để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xuống giống trên diện tích gieo cấy khoảng 3,2 triệu ha/3 vụ/năm.

Các chương trình sản xuất rau VietGAP, liên kết sản xuất lúa gạo, hồ tiêu, chè an toàn… cũng được triển khai nhân rộng. Ngoài ra, các biện pháp phòng trừ sinh học trên các loại cây trồng như sử dụng nấm xanh, nấm trắng, nấm tricoderma, vi khuẩn bacillus, ong kí sinh, bọ đuôi kìm, kiến vàng… được tập huấn, ứng dụng trong các lớp tập huấn, mô hình sản xuất an toàn.

Trong thời gian qua, ngành bảo vệ thực vật cũng triển khai nhiều đề án nhằm phát triển sản xuất an toàn, bền vững.

Điển hình, đề án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020”, đến nay có 406.000 ha áp dụng, giảm 10 - 55% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù chương trình IPM đã được triển khai rộng khắp cả nước nhưng mới chỉ được thực hiện chủ yếu trên cây lúa còn các cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp chưa được chú trọng phát triển.

Cùng với đó là các đề án như: “Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa giai đoạn 2017-2020”, “Thúc đẩy ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại cây trồng giai đoạn 2018 - 2030”...

Ngành bảo vệ thực vật đã bước đầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ thực vật như: phần mềm quản lý sinh vật gây hại toàn quốc; trạm khí tượng tự động dự báo thời tiết vào dự báo sinh vật gây hại; bẫy đèn kết nối camera giám sát; thiết bị phun thuốc điều khiển từ xa…

Bên cạnh việc ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường qua hơn 6 năm thực hiện đã phối hợp với 18 doanh nghiệp kinh doanh nông dược tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở 22 tỉnh, thành phía Nam tạo hiệu ứng tốt về bảo vệ môi trường; hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Chương trình thu gom được hơn 38,4 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để tiêu hủy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục