Phát hiện trên 1.800 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại

12:02' - 21/08/2020
BNEWS Hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… ngày càng phức tạp.
Ngày 21/8, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 7 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Theo ông Đinh Văn Dương, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam, địa bàn tỉnh Hà Nam không phải là địa điểm chính để tập kết hàng hóa nhưng lại là địa bàn chủ yếu để các đối tượng trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ tỉnh này sang tỉnh khác thông qua các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, 21A…

Phương thức hoạt động của các đối tượng là vận chuyển trên xe ô tô cá nhân; ngụy trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hóa khác như: chuyển qua các công ty chuyển phát nhanh, bưu kiện của bưu điện; thay đổi biển số xe giả trong quá trình vận chuyển; thiết kế những hầm, khoang đựng hàng bí mật hoặc trên các container được kẹp chì…nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… ngày càng phức tạp; hàng hóa vi phạm được bày bán xen lẫn với hàng hóa có chất lượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Trong 7 tháng năm 2020, toàn tỉnh Hà Nam đã phát hiện 1.813 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2019); trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 1.788 vụ, khởi tố 19 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 4,5 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Cụ thể là, các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả chủ yếu đi trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong khi đó, quy định không được dừng phương tiện trên đường cao tốc để kiểm tra. Mặc dù có thông tin về các phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm qua địa bàn nhưng việc bắt giữ, xử lý hiện nay không thực hiện được.

Ngoài ra, hoạt động buôn bán hàng qua mạng internet diễn ra ngày càng phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả; tỷ lệ các vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên tổng số vụ việc vi phạm còn hạn chế…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho rằng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán dự báo sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường.

Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, ông Vượng yêu cầu, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia và UBND tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng đó, triển khai hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý.

Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng như tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, thường xuyên đưa tin về hoạt động của đường dây nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh để tiếp nhận thông tin tố giác vi phạm từ cơ sở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục