Phát huy hiệu quả trong lấy nước gieo cấy cho vụ Đông Xuân

19:06' - 18/02/2022
BNEWS Đến ngày 17/2 (ngày cuối cùng của đợt lấy nước), diện tích đã lấy được nước đạt 99,34% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.

 

Sau 3 đợt lấy nước (16 ngày) phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, với nguồn nước xả tốt, kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng nên các địa phương đã hoàn thành tương đối việc lấy nước phục vụ sản xuất.

Đến ngày 17/2 (ngày cuối cùng của đợt lấy nước), diện tích đã lấy được nước đạt 99,34% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Chỉ còn trên 100 ha của Hà Nội phụ thuộc vào dòng chảy từ sông Hồng chưa hoàn thành. Các diện tích này sẽ tiếp tục được địa phương cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến.

Để có kết quả trên, ông Lương Văn Anh cho biết, việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 của khu vực đã được thực hiện rất chủ động. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo kịp thời, sát sao để các địa phương, đơn vị vận hành thủy lợi, điện lực trong khu vực chủ động xây dựng phương án sẵn sàng lấy nước kịp thời, đặc biệt vào các thời điểm xả nước kết hợp với triều cường có mực nước tốt hơn để việc lấy nước đạt hiệu quả hơn. Các địa phương đã rất tranh thủ, lấy được nước hiệu quả trong thời gian đó.

"Vào thời gian lấy nước, các cán bộ đã được bố trí trực 24/24h đảm bảo việc lấy nước được thông suốt. Nhất vào những thời điểm triều cường, các hệ thống công trình cũng được vận hành tối đa để hiệu quả lấy nước được cao nhất", ông Lương Văn Anh cho biết.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm lấy nước cho vụ Đông Xuân, đặc biệt những năm gần đây việc lấy nước khó khăn hơn trong tình trạng hạ thấp mực nước trên hệ thống sông tiếp tục diễn biến nhanh, các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi đã thực hiện việc lấy nước đồng bộ.

Các đơn vị đã có tham mưu tốt với ngành chức năng trong việc chủ động các phương án lấy nước. Điển hình như, trước khi lấy nước đợt 1 là hoàn thành việc sửa  chữa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống điện, trạm bơm; kiểm tra, vận hành thử để sẵn sàng cho việc lấy nước. Bên cạnh đó, những vùng sản xuất vụ Đông cũng được địa phương khuyến nghị người dân tích cực thu hoạch sớm để đưa nước vào đồng ruộng kịp thời.

"Sau đợt 1, các đơn vị cũng đã tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách lấy nước trong đợt 2 và 3. Do đó, sau 2 đợt sau lấy nước, các địa phương đã có hiệu suất lấy nước rất cao, hầu hết các địa phương đạt 100%", ông Lương Văn Anh cho hay.

Với đợt 3 chủ yếu phục vụ lấy nước cho các huyện thuộc Hà Nội, như Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây do khu vực này phải phụ thuộc sản xuất của người dân và là khu vực tương đối cao của Hà Nội. Đợt này cũng phục vụ cho các địa phương khác lấy nước để tích trữ cho tưới dưỡng cho sau này. Do đó, ngoài phục vụ cho đồng ruộng, các đơn vị thủy lợi tiếp tục đưa nước vào tích trữ trên các hệ thống kênh, mương, đầm…

Ông Lương Văn Anh cho hay, với Hà Nội, trong thời gian trung hạn tới, nhiều hệ thống thủy lợi sẽ được nâng cấp sửa chữa thì đợt 3 có thể rút ngắn hơn. Nhưng đây vẫn là đợt lấy nước quan trọng để cung cấp nguồn nước phục vụ người dân lấy nước tưới dưỡng nên nếu thiếu cũng rất dễ ảnh hưởng đến nguồn nước chăm sóc lúa sau này.

Về đầu tư trung hạn trong lĩnh vực thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nhiều năm qua Hà Nội đang có 2 trạm bơm rất khó lấy nước là Trung Hà và Phù Sa. Trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ sẽ phối hợp cùng thành phố Hà Nội có dự án xây dựng Trạm bơm Phù Sa có thể lấy nước trong mọi tình huống. Còn trạm bơm Trung Hà, thành phố Hà Nội cũng sẽ có sự đầu tư. Dự kiến sau năm 2025, Hà Nội sẽ chủ động lấy nước hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện.

Ông Lương Văn Anh đánh giá, những năm gần đây, việc lấy nước đổ ải cho vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ càng ngày càng được tiết kiệm hơn so với những năm trước. tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong 3 đợt lấy nước là 4,24 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 so với kế hoạch. Dòng chảy trong các đợt được duy trì ở mức cao nên các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến đủ điều kiện vận hành và các cống lấy nước vùng triều có điều kiện vận hành tốt.

Trước đó, việc lên lịch lấy nước đã ngành được tính toán rất kỹ để đợt 2 gần vào thời điểm lập Xuân và có thể tận dụng nguồn nước mưa bổ trợ, giúp tiết kiệm nguồn nước xả tốt hơn. Năm nay, trong thời gian giữa đợt 2 - đợt 3 và trong thời gian lấy nước của đợt 3, khu vực Bắc Bộ đã có mưa. Tổng lượng mưa lũy tích từ ngày 23/1 - 17/2 ở khu vực miền núi phía Bắc từ 15-40 mm, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ từ 20-60 mm.

Khi nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện ngày càng khó khăn, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết công tác lấy nước vụ Đông Xuân 2021-2022, rút kinh nghiệm để triển khai công tác lấy nước tiết kiệm, hiệu quả hơn trong các năm tới.

Riêng với Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cần triển khai khẩn cấp xây dựng trạm bơm dã chiến Liên Mạc, trạm bơm dã chiến Trung Hà; cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục