Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với hoạt động giám sát của Quốc hội
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán nhà nước không chỉ cung cấp thông tin các kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, mà còn thường xuyên tham gia các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan của Quốc hội
Hoạt động giám sát của Quốc hội lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2003. Luật quy định cụ thể nội dung, thẩm quyền, hoạt động giám sát của Quốc hội. Giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật. Một trong những nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội được quy định tại khoản 6 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015: “Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính khi có yêu cầu”.
Trong mối quan hệ giữa Quốc hội và Kiểm toán nhà nước, Điều 63 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định: “Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác của Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo, giải trình, cung cấp tài liệu, nghiên cứu và trả lời các kiến nghị theo yêu cầu của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”
Theo quy định này, Kiểm toán nhà nước là cơ quan cung cấp thông tin thường xuyên về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội khi có yêu cầu. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán nhà nước ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Hằng năm, Kiểm toán nhà nước xây dựng báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của cả nước.
Bên cạnh đó, qua kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn 5 năm; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.
Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước tham gia tích cực vào hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã cử Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham gia vào các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các Đoàn giám sát về các kết quả kiểm toán do Kiểm toán nhà nước thực hiện.
Kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán nhà nước đã cơ bản bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã được Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành cùng tham gia hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán.
Kết quả kiểm toán đã cung cấp nhiều thông tin chính xác, khách quan, có giá trị cho công tác giám sát của Quốc hội. Cụ thể như: Triển khai thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều kết quả các cuộc kiểm toán trong những năm gần đây đã được Đoàn giám sát nghiên cứu, sử dụng đưa vào nhận định, đánh giá báo cáo giám sát chuyên đề báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022.
Kiểm toán nhà nước cũng đã tổ chức kiểm toán chuyên đề toàn ngành để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ 02 cuộc giám sát tối cao năm 2023 của Quốc hội chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, số liệu có giá trị cho các cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Thông qua đánh giá việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kịp thời phát hiện các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, thay thế hàng nghìn văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Nhiều kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sử dụng khi thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về hoàn thiện văn bản pháp luật đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất; cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa…
Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cũng là nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức các phiên giải trình và đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý là năm 2023, toàn ngành Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên tổ chức rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 chưa thực hiện để phục vụ phiên giải trình: “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”.
Qua kết quả rà soát của Kiểm toán nhà nước và việc tổ chức phiên giải trình, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh và hoàn thành nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó nhiều kiến nghị tồn tại kéo dài nhiều năm về sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tài chính, xử lý khác đã được tập trung xử lý và thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn.
Ngoài ra, các thông tin kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được công khai minh bạch cũng tạo điều kiện cho nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp.
Nâng cao hiệu quả đóng góp của Kiểm toán nhà nước đối với hoạt động giám sát của Quốc hội
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán nhà nước trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội.
Kiểm toán nhà nước tiếp tục bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán hằng năm khoa học, hiệu quả; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ cho các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng.
Kiểm toán nhà nước cũng cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, tài sản công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán.
Tin liên quan
-
Tài chính
Quản lý tài nguyên, môi trường qua kết quả kiểm toán
11:53' - 05/04/2024
Kiểm toán môi trường hiện nay đã trở thành một hoạt động chính tại nhiều cơ quan kiểm toán tối cao SAI.
-
Chuyển động DN
Tập đoàn Hòa Bình lý giải việc vốn sở hữu chênh lệch gần 60 lần giữa báo cáo quản trị và kiểm toán
21:56' - 30/03/2024
Theo Báo cáo quản trị, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong Báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Kiểm toán Việt Nam và Hungary nhất trí tăng cường hợp tác
14:15' - 30/03/2024
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, từ 24-28/3, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dẫn đầu đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam thăm và làm việc song phương với KTNN Hungary.
-
Kinh tế Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, thẩm định giá
13:17' - 18/03/2024
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 18/3, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến những sai phạm về kiểm toán, thẩm định giá trong các vụ án thời gian qua.
-
Kinh tế & Xã hội
Kiểm toán ngày càng chú trọng đến chương trình nông thôn mới
22:47' - 15/03/2024
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Huy động tối đa nguồn lực hoàn thành 2 tuyến cao tốc
13:04'
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hậu Giang triển khai đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia)
12:39'
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và phát biểu tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia).
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử
12:17'
Qua 15 năm triển khai, Việt Nam phải triển khai các điều ước quốc tế đã đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Bình Dương bổ nhiệm nhiều nhân sự mới
11:43'
Sáng 22/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì Hội nghị trao quyết định cho các cán bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi
10:26'
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu qua sông Hồng nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
08:30'
Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
08:12'
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
08:11'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự kiến, năm 2024 có khoảng 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào thành phố Cảng
08:11'
Theo UBND thành phố Hải Phòng, đến nay, thành phố thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn 32,2 tỷ USD, chiếm 7% vốn FDI toàn quốc.