Phát triển bền vững năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế hỗ trợ nào?

14:21' - 09/07/2020
BNEWS Theo các chuyên gia, để khai thác hết tiềm năng, phát triển năng lượng tái tạo bền vững thì Việt Nam vẫn cần thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích.

 

Năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước. 

Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên để tiếp tục khai thác hết tiềm năng, phát triển năng lượng tái tạo bền vững thì các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng vẫn cần thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích.

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo "Phát triển bền vững năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà" do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh sáng 9/7.

*Bước phát triển vượt bậc

Thống kê trong vài năm trở lại đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW.

Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp.

Với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm… góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thêm vào đó, phát triển năng lượng tái tạo sẽ tận dụng được nguồn đất hoang hoá không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới; hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu – cụm công nghiệp. Đồng thời, gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng của đất nước...

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo không nằm ngoài mục tiêu thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 nêu rõ mực tiêu đạt tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Với hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng.

Nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ tích hợp Sao Nam cho biết, hiện nay công nghệ 4.0 đã giải quyết được vấn đề hiệu năng hiệu quả hơn so với công nghệ truyền thống như tấm quang - điện nào bị che thì mới bị mất công suất.

Điều này có được là nhờ bộ điều khiển, thuật toán được thực thi tại từng tấm pin. Bộ điều khiển này cũng là mạch IoT (Internet of Things) cho phép người dùng xem được trạng thái hoạt động online đến từng tấm quang-điện qua website/app.

*Cơ chế khuyến khích

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời; trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể, hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính.

Đồng thời, thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Ngoài ra, trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương... môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đời sống kinh tế vật chất của người dân tăng lên đã khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Đây cũng là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Song song đó, việc phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược về phát triển năng lượng; trong đó có năng lượng tái tạo đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với từng giai đoạn và theo hướng minh bạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, mọi thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện tham gia và khai thác lợi thế, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Về phía Bộ Công Thương, cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

"Với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Từ đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ thêm.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc phát triển thương hiệu Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) đề xuất, Chính phủ cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển trong nước và xuất khẩu như bảo hộ sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành và liên ngành.

Cùng với đó, sở, ngành sớm có những chương trình hành động phổ biến rộng rãi quy chuẩn chất lượng thiết bị phù hợp với thị trường Việt Nam; khuyến khích và thúc đẩy chương trình đổi mới công nghệ, phát triển bền vững...

Cùng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện áp mái trong 10 năm tới rất lớn, nhất là giải pháp điện đô thị phải là năng lượng tái tạo.

Chính vì vậy, cần gắn phát triển bất động sản với năng lượng tái tạo như bất động sản dân cư - thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, nông nghiệp...

Riêng điện áp mái nên gắn liền với phát triển bất động sản dân cư và sản xuất kinh doanh theo xu hướng tăng trưởng bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục