Phát triển bền vững ngành dừa - Bài 1: Dư địa xuất khẩu rất lớn

14:40' - 11/02/2024
BNEWS Với nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ dừa ngày một tăng cao, dư địa phát triển cho ngành dừa còn rất lớn.
Cây dừa có mặt ở nhiều địa phương trên khắp cả nước nhưng tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, ngành dừa bao gồm chuỗi giá trị từ trồng, thu mua, chế biến, tiêu dùng, xuất khẩu lâu nay vẫn đang phát triển một cách tự phát mà chưa có quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Hiện nay khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ dừa ngày một tăng cao, cơ hội xuất khẩu rộng mở đang đặt ngành dừa trước bài toán làm thế nào để phát triển hiệu quả và bền vững.

Bài 1: Dư địa phát triển lớn

Cây dừa từ chỗ là “của để dành” làm nguồn thu nhập thêm đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gần 390.000 hộ nông dân Việt Nam. Trái dừa từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu uống nước và chế biến vài món ăn dân dã thì nay đã có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau và tiến gần tới mục tiêu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD.

* Giá trị kinh tế cao

Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp về xứ dừa Bến Tre, trò chuyện cùng những người nông dân gắn cả đời mình với cây dừa và nghe kể chuyện về đời dừa.

Ông Trần Văn Rành, nông dân xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, Bến Tre cho biết, người dân trong vùng đã gắn bó với cây dừa hàng chục năm, có người được thừa kế vườn dừa từ cha mẹ, bởi cây dừa có tuổi đời và thời gian cho thu hoạch dài, lên tới 70 năm.

Gia đình ông Rành hiện có 1,5 ha dừa, mỗi tháng cho thu hoạch 1.500 – 2.000 trái dừa tươi, giá bán giao động khoảng 6 - 7 triệu đồng/thiên (1.200 quả), thu nhập mỗi tháng của gia đình ông từ cây dừa khoảng 8 triệu đồng. Cây dừa không cần chăm sóc nhiều, chỉ bón phân hữu cơ, tro bếp và bồi gốc với những cây bị sụt gốc.

Ông Nguyễn Văn Khinh, xã Hưng Lễ, Giồng Trôm chia sẻ, trước đây người dân chỉ xem cây dừa như "của để dành", lao động chính trong nhà vẫn phải tìm công việc khác để có thu nhập thường xuyên ổn định hơn vì giá dừa bán cho thương lái khá bấp bênh. Hiện nay, khi người trồng dừa liên kết với các công ty chế biến để canh tác dừa hữu cơ, giá dừa được giữ ổn định, đời sống nông dân trồng dừa được cải thiện rõ rệt. Với 2,1 ha dừa, thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình đạt khoảng 10 triệu đồng. Với những cây dừa quá tuổi cho trái, nông dân có thể bán gỗ dừa cho các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ hoặc đồ nội thất.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, trên thực tế, dừa là loài cây đa dụng, đa giá trị. Mọi bộ phận của cây dừa từ quả, thân, lá đều có thể sử dụng được. Ngoài uống nước, ăn cơm dừa trực tiếp, từ trái dừa còn có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác như dầu dừa, sữa dừa, mỹ phẩm, chất tẩy rửa. Trong khi đó, lá, thân cây và vỏ quả dừa là nguyên liệu để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, phụ kiện thời trang, đồ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và rất nhiều sản phẩm khác thiết thực cho cuộc sống con người.

Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70 - 75 tấn CO2. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net zero) vào năm 2050 và châu Âu áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thì giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon - bà Thanh cho hay.

Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Dừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 200.000 ha trồng dừa; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 88% diện tích dừa cả nước; các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn lần lượt là Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang… Ngoài diện tích hiện có, nhiều địa phương vẫn còn quỹ đất, nhất là những vùng bị xâm nhập mặn có thể mở rộng diện tích trồng dừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu.

* Thị trường rộng mở

Ông Nguyễn Văn Hây, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Phú huyện Giồng Trôm, cho biết Hợp tác xã có 185 xã viên, tổng diện tích 100 ha dừa. Hợp tác xã đang ký hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa trái với Công ty TNHH Thực phẩm Dừa Xanh (Green Coco Foods). Bình quân mỗi tháng cung ứng 80 - 100 tấn dừa trái đã lột vỏ cho doanh nghiệp.

Theo ông Hây, nhu cầu dừa nói chung và dừa hữu cơ nói riêng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp cần sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Hiện nay Hợp tác xã Sơn Phú đang cùng doanh nghiệp xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ trên diện tích 300 ha. Khi vườn dừa hữu cơ cho thu hoạch ổn định, sản lượng của hợp tác xã Sơn Phú sẽ tăng lên gấp đôi so hiện tại, đạt từ 160 - 200 tấn/tháng. Hợp tác xã cũng sẽ tổ chức lại không gian thu mua, đầu tư thêm thiết bị sơ chế dừa và chế biến phụ phẩm dừa thành phân hữu cơ nhằm tận dụng hết giá trị của trái dừa.

Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết, công ty đang liên kết với nông dân trồng dừa hữu cơ trên diện tích 10.200 ha ở 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Mỗi năm Betrimex thu mua hơn 140 triệu trái dừa hữu cơ để chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích liên kết và sản lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu chế biến của công ty.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam thông tin, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ngành dừa Việt Nam đang tiến gần tới mốc 1 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng bứt phá khi dư địa xuất khẩu của các loại thực phẩm làm từ dừa còn rất lớn. Đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng mới, thế giới đang ưa chuộng các loại chất béo thực vật, mỹ phẩm làm đẹp từ dừa.

Hiện cả nước có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa; trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam". Các doanh nghiệp ngành dừa không đơn thuần chỉ sản xuất về dừa mà còn khai thác nguyên liệu từ dừa, phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, y tế, mỹ phẩm với hơn 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa. Điển hình như dầu dừa tinh khiết là sản phẩm giá trị cao đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng do xu hướng tiêu thụ thực phẩm thuần chay từ thiên nhiên, lành mạnh có hàm lượng calo thấp và có giá trị dinh dưỡng cao, giảm nguy cơ về tim mạch.

Cùng đó, những mặt hàng mỹ phẩm cao cấp có sử dụng nguyên liệu tinh dầu dừa như dầu gội đầu, kem dưỡng da, son môi, chải mi, chất tẩy trang… cũng đang có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng rất lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa có giá trị cao dùng cho ngành nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, trái dừa tươi Việt Nam đã được Mỹ cấp phép nhập khẩu từ tháng 8/2023 và đang trong quá trình thương thảo ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm của ngành dừa đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính hàng đầu thế giới và chỉ trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10% một năm. Một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao, như kem, nước, dầu và thạch dừa tăng 15 - 36%. Đặc biệt, các sản phẩm sạch có nguồn gốc thực vật dù phải trả giá cao, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả.

Bài cuối: Xây dựng chuỗi giá trị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục